Nam Lợi thực hiện các biện pháp giảm nghèo

07:11, 10/11/2016
Xã Nam Lợi (Nam Trực) là xã thuần nông nên thu nhập của nhân dân trong xã còn thấp. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Cơ sở cung ứng nguyên liệu, thu mua ró xuất khẩu của gia đình chị Vũ Thị Ngoan, ở thôn Đô Quan, xã Nam Lợi (Nam Trực) tạo việc làm thêm cho khoảng 500 lao động.
Cơ sở cung ứng nguyên liệu, thu mua ró xuất khẩu của gia đình chị Vũ Thị Ngoan, ở thôn Đô Quan, xã Nam Lợi (Nam Trực) tạo việc làm thêm cho khoảng 500 lao động.
Đồng chí Đoàn Văn Đương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, UBND xã đều xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách giảm nghèo, chăm sóc, hỗ trợ cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ. Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời triển khai kịp thời các chính sách kinh tế - xã hội hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước. Hằng năm, xã tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó phân tích, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng là do thiếu vốn, bị tàn tật hoặc ốm đau thường xuyên, người già sống đơn thân không có sức lao động; trên cơ sở đó triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Xã đã tích cực khai thác các nguồn vốn, đứng ra tín chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Hiện tại, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo trong xã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng từ các chương trình: giải quyết việc làm, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, nhân dân trong xã và đối tượng hộ nghèo, cận nghèo còn vay vốn từ các ngân hàng khác với tổng dư nợ 44,5 tỷ đồng, trong đó, vay từ Ngân hàng NN và PTNT 26 tỷ đồng; Ngân hàng Liên Việt 2 tỷ đồng, Quỹ tín dụng Nam Thanh - Nam Lợi 15 tỷ đồng; Quỹ TYM 1,5 tỷ đồng. Cùng với việc được vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được quan tâm, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm; được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng tham gia học nghề theo Đề án 1956 do tỉnh, huyện tổ chức, từ năm 2015 đến nay, tại xã đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, gồm: may công nghiệp, mây tre đan, cơ khí, sửa chữa điện tử, điện lạnh cho hơn 200 người, chủ yếu là lao động hộ nghèo và cận nghèo. Sau khóa học, người lao động đều có việc làm phù hợp, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, hằng năm các đoàn thể: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên với các chuyên đề như: quy trình chăm sóc lúa, nuôi thủy sản, trồng, chăm sóc cây vụ đông, nuôi lợn, gia cầm… và vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, nhất là hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, các hộ đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước phát triển mới: Diện tích gieo sạ vụ xuân chiếm trên 70%; cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 70% khâu thu hoạch; xây dựng một cánh đồng mẫu lớn diện tích 65ha; gieo cấy 70% diện tích lúa chất lượng cao. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 74,8 triệu đồng (năm 2010) lên 85 triệu đồng (năm 2015). Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chất lượng, hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sử dụng đất từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tuyên truyền, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ cá thể đưa nghề về tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn xã có thêm nghề đan ró xuất khẩu, với 2 cơ sở cung ứng cói và thu mua ró, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 lao động. Chị Vũ Thị Ngoan, ở thôn Đô Quan, xã Nam Lợi, chủ một cơ sở cung ứng cói và thu mua ró xuất khẩu cho biết: Đan ró không khó, người cao tuổi, sức khỏe yếu cũng có thể làm được và có thể tận dụng thời gian rỗi như buổi tối, lúc nông nhàn nên thu hút khá nhiều hộ tham gia. Hiện tại, tôi cung ứng cói cho khoảng 300 hộ trong và ngoài xã, với hơn 500 lao động làm nghề. Người đan nhanh một ngày đan được 2-3 cái ró, mỗi cái ró tiền công là 35 nghìn đồng. Ngoài ra, nhiều lao động, chủ yếu là lao động trẻ trong địa bàn xã tích cực học nghề và làm việc tại các Cty may, giày da ở các xã lân cận. Cùng với hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục. Những năm qua, 100% số người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ trong xã được cấp thẻ BHYT theo quy định. Hiện tại, xã có 275 người thuộc hộ nghèo, 572 người thuộc hộ cận nghèo và 358 đối tượng bảo trợ được cấp thẻ BHYT. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã đã hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ với tổng số tiền trên 70 triệu đồng; xác nhận miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và hàng chục học sinh, sinh viên con hộ nghèo được vay vốn tiếp tục đến trường.
 
Bằng những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, xã Nam Lợi đã tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Qua đợt điều tra, xác định hộ nghèo vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,1%. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5% mỗi năm, xã Nam Lợi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, đồng thời tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
 
Bài và ảnh:  Minh Tân
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com