Nam Định là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa. Ở các địa phương trong tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, gồm các loại hình diễn xướng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ mang giá trị văn hoá đặc sắc, có sức hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh tiêu biểu là hát chèo, múa rối nước, chầu văn, trong đó “Nghi lễ chầu văn của người Việt” được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia năm 2013. Với chức năng quảng bá, khám phá, tìm hiểu và trao đổi văn hoá giữa các vùng miền, du lịch có vai trò tích cực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Nhận thức được điều đó, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương, Ban quản lý các khu, điểm di tích trong tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội để phục dựng đưa các loại hình nghệ thuật này vào biểu diễn tạo sức hấp dẫn cho du khách.
Tại quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản), từ nhiều năm nay chính quyền địa phương, các thủ nhang, thủ từ đã duy trì tổ chức các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, liên hoan nghệ thuật hát chầu văn, thu hút nhiều cung văn, nhạc công trong tỉnh biểu diễn. Ngoài ra, trong thời gian 6 ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động: rước thỉnh kinh ở Phủ Vân Cát, rước đuốc ở Phủ Tiên Hương, múa lân sư rồng, thi đấu cờ người, đấu vật, “Hoa trượng hội”…, góp phần làm phong phú lễ hội. Tại Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), vào dịp Lễ hội Đền Trần (20-8 âm lịch), Ban quản lý khu di tích, nhà đền đã tích cực đưa các tiết mục hát chèo, hát văn… trong đó, hoạt động múa rối nước do các nghệ nhân múa rối nước làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) điều khiển luôn “đỏ đèn” hoạt động hết công suất. Các tích trò rối nước như Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử… được biểu diễn dưới hồ nước trước cửa Đền Trần thu hút đông khán giả từ người cao tuổi đến trẻ em. Qua 5 năm biểu diễn múa rối nước trong lễ hội Đền Trần, các nghệ nhân làng Bàn Thạch đã quảng bá rộng rãi môn nghệ thuật độc đáo của quê hương. Ngoài hát văn, hát chèo, múa rối nước, Ban quản lý Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp, nhà đền còn đang ấp ủ việc khôi phục “Múa bài bông” là loại hình dân ca, dân vũ của nước Đại Việt thời Trần. Các loại hình nghệ thuật truyền thống còn xuất hiện nhiều trong các lễ hội: Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), Phủ Nấp (Phủ Quảng Cung) xã Yên Đồng (Ý Yên), Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)… tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh các khu di tích lịch sử - văn hoá, gần 10 năm nay HTX du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy) đã duy trì hoạt động của đội văn nghệ phục vụ khách du lịch khi tham quan Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Với trên 10 thành viên là những người nông dân đam mê ca hát, đến nay đội văn nghệ du lịch sinh thái cộng đồng đã thành thạo hàng chục điệu chèo đặc sắc biểu diễn phục vụ hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
|
Đoàn múa rối nước Sông Quê biểu diễn trong dịp Lễ hội Đền Trần 2016 thu hút đông đảo người xem. |
Ngoài một số khu du lịch tổ chức ngày càng nhiều, đa dạng các hoạt động nghệ thuật truyền thống để hấp dẫn du khách thì nhiều nơi còn tổ chức đơn giản, quy mô nhỏ. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chầu văn ở nhiều nơi còn nặng về thương mại hoá, biểu diễn các giá hầu mang tính tâm linh, trong khi sân diễn cho các nhạc công, cung văn, biểu diễn các giai điệu chầu văn cổ thì còn ít, chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức được các môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của mình, chưa coi trọng việc quảng bá, giới thiệu đến du khách. Lễ hội rối nước làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) được tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề đồng thời là Thần hoàng làng Linh ứng Đại Vương là lễ hội độc đáo, đặc sắc nhưng chỉ một số người dân quanh vùng biết đến. Cũng ở huyện Nam Trực, lễ hội chùa Đại Bi ở Thị trấn Nam Giang từ 20 đến 23 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm có trò hát rối đầu gỗ là một hình thức sinh hoạt văn hoá tâm linh độc đáo vẫn chưa được quảng bá rộng. Việc liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh có tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống còn nhiều bất cập. Một số nơi có đường giao thông không thuận tiện, không có điểm đón trả khách, cơ sở vật chất các điểm biểu diễn còn nghèo nàn không đáp ứng yêu cầu thưởng lãm của du khách. Nhiều nơi tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng với các tiết mục chất lượng không cao, thường na ná giống nhau nên gây nhàm chán, không hấp dẫn du khách.
Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của tỉnh” có nhấn mạnh đến việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách; đồng thời là giải pháp giúp người dân tham gia làm du lịch có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó bảo vệ, gìn giữ di sản truyền thống của cha ông. Để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với du khách, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa nét độc đáo của các nghệ thuật truyền thống trong tỉnh; thực hiện công tác xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực xã hội khôi phục, phát triển các hoạt động này. Các địa phương có nghệ thuật truyền thống cần quan tâm, động viên các nghệ nhân, những người am hiểu nghệ thuật truyền thống vào cuộc, tổ chức truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ thuật truyền thống này có “đất sống” trong các khu, điểm du lịch. Các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nội dung chương trình phong phú nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch đến, lưu lại lâu hơn, qua đó góp phần đưa du lịch của tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh:
Thanh Ngọc