Duy trì bền vững chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone

08:11, 28/11/2016
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở điều trị Methadone đặt tại 6 huyện, thành phố, điều trị cho 1.707 bệnh nhân. Trong đó, cơ sở điều trị Methadone Thành phố Nam Định đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có đông bệnh nhân nhất với 687 người điều trị. Cơ sở điều trị Methadone huyện Giao Thủy có 256 người đang điều trị, trong đó 116 người đang điều trị duy trì, 140 người đang trong giai đoạn dò liều. Cũng tại huyện Giao Thủy còn có cơ sở điều trị Methadone tư nhân Đại Đồng, điều trị cho 175 người, trong đó 163 người duy trì, 12 người dò liều. Cơ sở điều trị tại huyện Xuân Trường đang điều trị cho 231 người, trong đó 194 người đang điều trị duy trì, 37 người dò liều. Cơ sở điều trị tại huyện Trực Ninh điều trị cho 143 người, trong đó 96 người đang điều trị duy trì, 47 người trong giai đoạn dò liều. Cơ sở tại huyện Hải Hậu điều trị cho 154 người, trong đó 129 người đang điều trị duy trì, 25 người đang trong giai đoạn dò liều. Cơ sở điều trị tại huyện Nam Trực đang điều trị cho 61 người, trong đó 54 người đang điều trị duy trì, 7 người đang trong giai đoạn dò liều.

 Tại các cơ sở điều trị, các phòng đón tiếp, tư vấn, cấp phát thuốc Methadone, hội trường, kho bảo quản thuốc… được bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc theo dõi, quan sát bệnh nhân và hỗ trợ khi cần thiết. Các cơ sở điều trị đều có đủ trang thiết bị phục vụ việc khám, cấp phát thuốc, thiết bị cấp cứu, hệ thống máy tính, máy đọc mã vạch, máy ảnh, camera theo dõi. Đội ngũ cán bộ được cử tham gia công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đều được tập huấn theo quy định. Tại các cơ sở điều trị, cán bộ y tế tiến hành khám, đánh giá sức khỏe bệnh nhân trước, trong quá trình điều trị, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình để họ hiểu, tin tưởng vào phương pháp điều trị, tiếp đó bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cần thiết (công thức máu, HIV, nước tiểu) và được cấp phát thuốc Methadone hằng ngày. Chương trình điều trị Methadone đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong quá trình điều trị, số bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị đạt trên 90%; tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng hê-rô-in trong 6 tháng đầu khi tham gia điều trị là 48%, sau 6 tháng điều trị giảm còn 12%, và sau 12 tháng điều trị chỉ còn 9%. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm, thu nhập ổn định tăng từ 43,1% trước khi điều trị lên 91,7% sau khi điều trị; 98,1% bệnh nhân không còn vi phạm pháp luật sau khi điều trị. Chương trình điều trị còn từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy và tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều trị Methadone vẫn còn gặp không ít khó khăn. Điều trị cai nghiện bằng Methadone, bệnh nhân phải uống thuốc hằng ngày, liên tục. Do vậy mặc dù Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường mở rộng cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh, hiện có 3.030 đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT) trên địa bàn tỉnh đang được quản lý. Trong đó tập trung nhiều ở Thành phố Nam Định với 779 đối tượng, huyện Giao Thủy 658 đối tượng, huyện Xuân Trường 448 đối tượng, huyện Hải Hậu 288 đối tượng, huyện Trực Ninh 277 đối tượng, huyện Nam Trực 221 đối tượng. Đó là chưa kể số đối tượng NCMT ngoài cộng đồng còn rất cao. Theo số liệu điều tra, số đối tượng NCMT trên địa bàn tỉnh ước tính trên 6.500 người. Mặt khác, hiện nguồn thuốc Methadone tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ các Dự án phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và chương trình mục tiêu quốc gia. Theo lộ trình đến ngày 1-1-2018, Dự án Quỹ toàn cầu sẽ ngừng hỗ trợ nguồn thuốc cho các cơ sở điều trị Methadone tại tỉnh ta. Trong khi hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thay thế nguồn thuốc hoặc thu phí mua thuốc để đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy trong cộng đồng còn sợ kỳ thị, không dám đến cơ sở điều trị vì sợ lộ danh tính. Để giải quyết khó khăn, UBND tỉnh đã có Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND về việc ban hành giá một số dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho các cơ sở điều trị công lập của tỉnh. Đến nay, hoạt động thu phí đã được bệnh nhân và gia đình ủng hộ. Tuy nhiên, để duy trì tính bền vững công tác điều trị Methadone, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí và có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị. Các ngành chức năng, các địa phương cần tạo điều kiện cho người sử dụng ma túy được tiếp cận với dịch vụ điều trị Methadone; phối hợp lồng ghép giữa điều trị Methadone với các loại hoạt động phòng chống HIV/AIDS khác như Tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, tăng cường các hoạt động truyền thông và cung cấp các dịch vụ khác; phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho bệnh nhân sau khi điều trị. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghiện, gia đình tham gia điều trị, mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị Methadone./.
 
Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com