Ngày 13-10 hằng năm được Đại hội đồng LHQ quyết định chọn là Ngày quốc tế Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn. Với đặc điểm về vị trí địa lý có 72km bờ biển, cộng với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn biến khó lường nhanh hơn dự báo gây nguy cơ phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai như bão, lũ, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn... nên tỉnh ta luôn chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trên mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
|
Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tập huấn, nâng cao kỹ năng chủ động ứng cứu trong tình huống thiên tai, bão lũ. |
Hằng năm, tỉnh tổ chức đánh giá chất lượng các công trình phòng chống thiên tai (PCTT), chủ động lập phương án khắc phục, xử lý kịp thời sự cố đối với các trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, tỉnh đã xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả tương ứng với các loại hình thiên tai, chú trọng ứng phó các hiện tượng bất thường bão, lũ, mưa lớn “kỷ lục”, sạt lở đất, động đất, sóng thần… để các cơ quan, đơn vị, người dân nghiên cứu thực hiện nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản. Từng địa phương cũng xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCTT-TKCN phù hợp với tình hình địa bàn. Tỉnh đặc biệt ưu tiên xây dựng công trình, duy tu bảo dưỡng, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều. Riêng năm 2016, thực hiện các công trình xử lý cấp bách mới như: kè Mỹ Trung, kè Quy Phú, kè Độc Bộ, kè Vị Khê, kè nam Quần Liêu, kè Trực Mỹ; xử lý mái kè Cồn Tròn, mỏ kè Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 bị hư hỏng… Quan tâm sửa chữa, xây mới hệ thống cống dưới đê, cống điều tiết các cấp, kiên cố các tuyến kênh, nạo vét cửa cống, trạm bơm và bờ vùng. Tỉnh còn tập trung cao cho công tác trồng rừng ven biển với các chương trình, dự án: chương trình 327, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Chương trình 661) và đầu tư của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, dự án “Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020”, dự án “Giảm sóng, ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng”... Các chương trình, dự án có tác dụng bồi cao nền đất, giảm tình trạng sạt lở, xói mòn, triều cường giảm nên bảo vệ vững chắc cho tuyến đê biển. Không những vậy, rừng ngập mặn phát triển tốt đã tích tụ đất phù sa, tạo môi trường cho sinh vật biển sinh trưởng, phát triển ngày càng phong phú, giúp người dân trong vùng thụ hưởng dự án, nhất là người nghèo, có thêm sinh kế, thu nhập như khai thác thủy hải sản, nuôi ong lấy mật... Trong tình hình BĐKH, những bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gia tăng, tỉnh ưu tiên phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai đối với các ngành và lĩnh vực chủ yếu của tỉnh. Ngành NN và PTNT đã kịp thời đưa ra các kế hoạch, chỉ đạo, điều chỉnh tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra cho chăn nuôi, sản xuất lúa, nuôi trồng, khai thác thủy sản… Ngành Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều chỉnh phương án chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thích ứng với nhu cầu của người dân trong từng điều kiện cụ thể theo diễn biến của thời tiết, BĐKH. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng bố trí, huy động mọi nguồn kinh phí tăng cường thiết bị và nâng cao năng lực của lực lượng làm nhiệm vụ TKCN. Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, Đài Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Nam Định được tăng cường năng lực, bổ sung trang thiết bị, xây mới hệ thống trạm quan trắc KTTV. Đến nay hạ tầng mạng lưới kỹ thuật quan trắc bao gồm: 2 trạm khí tượng ở Thành phố Nam Định và ở xã Hải Lý (Hải Hậu); 3 trạm thủy văn trên các sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Phú Lễ; 4 điểm đo mực nước đặt tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản), Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), xã Bình Hòa (Giao Thủy) và trên các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy, một số điểm đo độ mặn trên sông Hồng, sông Đào. UBND tỉnh cũng đồng ý, giao Sở TN và MT cấp đất đầu tư xây dựng thêm 2 trạm KTTV tại địa bàn huyện Giao Thủy và Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Dự kiến giai đoạn 2021-2025 Đài Dự báo KTTV Nam Định sẽ đầu tư xây dựng thêm 6 điểm đo độ mặn trên các tuyến sông; tiến tới tự động hóa cả 4 trạm đo mưa và xây thêm 6 trạm đo mưa tự động hóa trải đều trên toàn tỉnh; tập trung tự động hóa hoàn toàn cho toàn bộ hệ thống trạm KTTV. Nhờ chủ động nâng cao chất lượng, công tác dự báo KTTV đã kịp thời cung cấp các thông tin căn bản, phục vụ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Để thiết thực hưởng ứng Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm 2016, trên tinh thần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, phân tích sâu sắc các khuyết điểm, hạn chế trong công tác PCTT của tỉnh thời gian qua, nhất là sau cơn bão số 1 năm 2016 đặt ra yêu cầu gắt gao đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa kỹ năng, kiến thức PCTT. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hiệu quả hơn nữa về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo; phổ biến nâng cao kỹ năng phòng chống, ứng phó trong các điều kiện thiên tai. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các vùng đất trũng. Nâng cao ý thức chịu trách nhiệm trong thực thi các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy