Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trong những năm qua, cùng với việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) (Công an tỉnh) trong việc quản lý và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC, phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có bước chuyển sâu rộng góp phần tích cực đảm bảo an toàn cho đời sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cơ sở.
|
Lực lượng PCCC cơ sở khối doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Nam Định tham gia các nội dung hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2016. |
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác PCCC trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã luôn chú trọng, xây dựng kế hoạch PCCC phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Ban chỉ đạo PCCC các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, triển khai có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn PCCC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật PCCC và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” (ngày 4-10), “Tháng an toàn PCCC” (tháng 10 hằng năm), “Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, phòng chống cháy, nổ”, tổ chức cho các hộ trọng điểm ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Qua đó nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân dân từng bước được nâng lên, từ đó thực hiện thường xuyên, chủ động các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ… Bên cạnh đó, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC và thường trực CNCH. Là lực lượng chính quy, đóng vai trò chủ công trong công tác PCCC và CNCH, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thực tập các phương án chữa cháy và CNCH để thuần thục trong vận dụng các chiến thuật và sử dụng phương tiện chiến đấu đồng thời bảo đảm thường trực chiến đấu, sẵn sàng xuất phát khi có lệnh, triển khai lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả. Nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố nghiêm trọng đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai cứu chữa nhanh chóng và kịp thời. Công tác phối hợp hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác trong triển khai chữa cháy, CNCH cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát động phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC gắn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng. Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp tổ chức 6.487 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, tuyên truyền về Luật PCCC tới hơn 46 nghìn lượt người là công an viên, đội viên đội PCCC dân phòng các xã, phường, thị trấn và cán bộ, công nhân viên, đội viên đội PCCC cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức 256 buổi nói chuyện chuyên đề cảnh báo nguy cơ, nguyên nhân gây ra cháy, nổ cho lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở, cán bộ, công nhân viên và quần chúng nhân dân; tổ chức cho hơn 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp, hơn 10 nghìn lượt trọng hộ ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những thiếu sót, sai phạm về an toàn cháy, nổ. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, đột xuất, Công an tỉnh còn phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành như: Dệt may, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà cao tầng, khu tập trung đông dân cư… 5 năm qua đã thành lập 25 đoàn kiểm tra liên ngành; tổ chức kiểm tra 9.835 lượt cơ sở, xã, phường về an toàn PCCC; qua kiểm tra phát hiện và hướng dẫn cơ sở khắc phục hơn 10 nghìn thiếu sót; xử lý vi phạm 382 trường hợp… Do triển khai tích cực, đồng bộ nhiệm vụ PCCC và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng nên công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân được nâng cao, các cơ quan, doanh nghiệp đã quan tâm, coi trọng công tác PCCC và chấp hành tốt các biện pháp phòng ngừa; công tác chữa cháy được triển khai kịp thời có hiệu quả, hạn chế xảy ra các vụ cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố… góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp cứu chữa 109 vụ cháy; CNCH 6 vụ việc, cứu được 18 người trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng trong đó có 17 người bị thương…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự giác thực hiện và tích cực tham gia công tác PCCC. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh chấp hành quy định của Luật PCCC ở các đơn vị theo từng lĩnh vực, chuyên đề, chuyên ngành, quy mô và tính chất nguy hiểm về cháy nổ gắn với xử lý nghiêm các vi phạm, những vấn đề bất cập tồn tại nhằm hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực chăm lo, xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở, dân phòng, đầu tư, bổ sung các thiết bị, dụng cụ, phương tiện chữa cháy để sẵn sàng, kịp thời chữa cháy tại chỗ; phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia PCCC, tạo điều kiện về chế độ chính sách hỗ trợ lực lượng PCCC quần chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở./.
Bài và ảnh:
Thu Thủy