Phát triển du lịch làng nghề La Xuyên

09:10, 24/10/2016
Làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề mộc, chạm khắc gỗ, khảm trai truyền thống với đa dạng, phong phú các sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích. Để quảng bá truyền thống làng nghề, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân, huyện Ý Yên đang triển khai dự án xây dựng làng nghề La Xuyên trở thành điểm du lịch.
Chế tác đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh.
Chế tác đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh.
Theo các cụ cao niên, làng nghề La Xuyên có truyền thống chạm khắc gỗ đã hơn 1.000 năm. Người có công mở đất, truyền nghề mộc, chạm khắc gỗ cho người dân nơi đây là cụ Ninh Hữu Hưng (939-1019) quê ở xã Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, nay là huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Nổi tiếng với tài chế tác gỗ, cụ được Vua Đinh Tiên Hoàng cử xây dựng kinh đô Hoa Lư với các cung điện, đền, chùa, dinh thự và được ban chức “Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân” (vị tướng trông coi nghề mộc của 6 phủ). Tương truyền, năm 991 Vua Lê Đại Hành đi qua vùng đất Cái Nành (nay là La Xuyên) đã vào thăm và ngắm cảnh nhận thấy đây là vùng đất đẹp nên cho cụ Ninh Hữu Hưng ở lại lập nghiệp. Cụ đã đưa cả con cháu, họ hàng đến vùng đất này, khuyến khích nhân dân phát triển nghề thủ công trong đó có nghề chạm khắc gỗ. Sau khi cụ mất, dân làng đã tôn cụ là thành hoàng và tổ nghề thờ phụng ở đình La Xuyên. Từ một làng nghề truyền thống, đến nay đã phát triển và CCN La Xuyên đã được xây dựng với khoảng 25 doanh nghiệp, hơn 1.000 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho trên 5.000 lao động, trong đó có 60% là thợ chạm khắc gỗ. Các mặt hàng của làng nghề phong phú, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị trường nên được bạn hàng trong nước và các thị trường: Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a… yêu thích tìm mua. Bên cạnh lịch sử truyền thống lâu đời, làng nghề La Xuyên hiện còn lưu giữ được nhiều di tích thu hút du khách thập phương. Tiêu biểu là đình La Xuyên thờ ông tổ nghề làng Ninh Hữu Hưng được xây dựng từ hàng trăm năm nay. Đình quay hướng tây với hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây được bố trí hài hoà. Đình được xây theo hình chữ Đinh với toà tiền đường gồm 3 gian, cao 8m được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Tiếp nối tiền đường là trung đường và chính tẩm làm bằng gỗ lim, trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng kỹ thuật cao với các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… thể hiện sự tài hoa của người thợ La Xuyên. Bên cạnh đình là phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh được thiết kế theo kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh, các bộ vì được chạm khắc gỗ tinh xảo với nhiều kiểu dáng, đường nét khác nhau. Từ xa xưa, người dân làng La Xuyên có tục lệ đến thời khắc giao thừa sẽ mang đuốc ra đình làng lấy lửa về xông nhà với mong muốn mang lại may mắn, hồng phúc cho một năm mới. Mấy năm gần đây, vào ngày 24-4 âm lịch, làng lại mở hội với các hình thức tế lễ, tổ chức các trò chơi dân gian, mở các gian hàng trưng bày sản phẩm để khách thập phương tham quan. 
 
Việc UBND huyện Ý Yên chọn làng nghề La Xuyên để xây dựng thành điểm du lịch được coi là bước đột phá nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện. Tuy nhiên, để đưa làng nghề La Xuyên thành điểm phát triển du lịch, huyện Ý Yên cần đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của làng nghề trên các website làng nghề, các doanh nghiệp trong làng và website du lịch của Sở VH, TT và DL để du khách trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu; tuyên truyền qua các cuộc hội thảo, hội nghị về du lịch làng nghề trong và ngoài tỉnh. Hiệp hội làng nghề La Xuyên chọn một số cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ đa dạng các sản phẩm hàng hoá để làm điểm dừng chân cho khách tham quan. Huyện cần phối hợp với Sở VH, TT và DL tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những người bán hàng để họ có thể hướng dẫn khách du lịch về lịch sử hình thành, quá trình phát triển của làng nghề, nghệ thuật chế tác gỗ của các thợ thủ công. Ở một số cơ sở sản xuất có thể bố trí cho du khách tham gia một số công đoạn làm nên sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Thực tế, đã có nhiều đoàn khách trong nước và một số du khách nước ngoài đã được tham gia vào một trong những công đoạn chế tác ra sản phẩm gỗ mỹ nghệ và bày tỏ sự thích thú. Các cơ sở cũng cần sản xuất đa dạng các sản phẩm về mẫu mã, kích thước. Bên cạnh sản xuất các đồ gỗ lớn, các hộ dân cũng cần quan tâm đến sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nhỏ để khách du lịch có thể mua về làm quà lưu niệm. Đây cũng là hướng sản xuất mới có thể đem lại doanh thu lớn cho nhiều hộ sản xuất. Do làng nghề nằm trên Quốc lộ 10 rất thuận tiện về giao thông đến các điểm du lịch nổi tiếng như Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản), Phủ Nấp ở xã Yên Đồng, các di tích thờ Vua Đinh - Lê (Ý Yên), Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) hay Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh Bái Đính của tỉnh Ninh Bình… nên cần liên kết với các Cty, doanh nghiệp lữ hành xây dựng, thiết kế các tour du lịch hợp lý có thời gian ngắn mà hiệu quả về kinh tế cao để làm phong phú sự trải nghiệm của du khách.
 
Việc chọn làng nghề La Xuyên thành điểm du lịch sẽ góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của địa phương, tạo cho người dân có thêm thu nhập và gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com