Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế trường học

08:10, 04/10/2016
Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, 293 trường tiểu học, 237 trường THCS, 57 trường THPT. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, công tác y tế trường học luôn được ngành GD và ĐT tỉnh quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo cho học sinh có đầy đủ thể chất và tinh thần để học tập, rèn luyện. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay công tác y tế trường học đã đi vào nền nếp. 
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác y tế trường học, các huyện, thành phố trong tỉnh đã từng bước bố trí cán bộ thực hiện công tác y tế trường học. Ban Chỉ đạo y tế trường học từ tỉnh đến các huyện, thành phố hằng năm đều được kiện toàn, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Tại các trường tiểu học và THCS, cán bộ y tế trường học tương đối đầy đủ: bậc tiểu học có 244 nhân viên y tế/293 trường (chiếm tỷ lệ 83,3%); bậc THCS có 230 nhân viên y tế/237 trường (chiếm tỷ lệ 97%). Tại các trường mầm non, có 193 trường/266 trường có cán bộ y tế kiêm nhiệm (chiếm tỷ lệ 73%). Tại các trường có bố trí nhân viên y tế trường học đều có phòng y tế với các trang thiết bị, thuốc, tài liệu truyền thông theo quy định. Vào mỗi đầu năm học, ngành GD và ĐT, ngành Y tế phối hợp thực hiện nhiều hoạt động như: Kiểm tra phòng y tế của trường, tình trạng vệ sinh chung, công trình vệ sinh cho học sinh, nguồn nước, tình trạng an toàn thực phẩm (ATTP), các điều kiện vệ sinh phòng học, bàn ghế, ánh sáng…; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế trường học, giáo viên; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh tật; khám dự phòng các bệnh học đường… Các trường học phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập sổ y bạ để quản lý và theo dõi sức khỏe cho học sinh. Trong năm học 2015-2016, trên địa bàn tỉnh không có vụ dịch bệnh lớn nào xuất hiện ở các trường học; tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về học đường như: cong vẹo cột sống, tật khúc xạ, các bệnh tai mũi họng... đã giảm nhiều so với những năm trước. Kết quả khám phân loại sức khỏe học sinh, tỷ lệ loại A đạt 73,9% ở bậc mầm non, 66,1% ở bậc tiểu học, 65,9% ở bậc THCS. Để đảm bảo học sinh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, ngành GD và ĐT, ngành Y tế, BHXH tỉnh đã tăng cường phối hợp truyền thông về ý nghĩa, lợi ích, các quyền lợi khi tham gia BHYT. Số học sinh tham gia BHYT ở các bậc học đã được nâng lên, ở bậc tiểu học đạt 99,5%, bậc THCS đạt 90,3%. Trong năm học, ngành GD và ĐT đã phối hợp với ngành Y tế triển khai việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc-xin Sởi - Rubella... cho các đối tượng trong nhà trường; phối hợp tổ chức tẩy giun cho học sinh trong các trường đạt tỷ lệ trên 98%. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học được triển khai tích cực theo xu hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe; hỗ trợ tổ chức hoạt động phòng chống dịch, bệnh; thanh tra, kiểm tra hoạt động y tế trong các nhà trường. Hoạt động của công tác y tế trường học đã góp phần tăng cường kiến thức, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Y tế trường học các huyện, thành phố đều tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá, chấm điểm thi đua việc triển khai công tác y tế trường học theo quy định. Sở Y tế phối hợp với Sở GD và ĐT tổ chức thành lập đoàn kiểm tra của tỉnh tổ chức kiểm tra tại các trường học trong tỉnh. Nhiều trường đã phối hợp với Trung tâm y tế, Bệnh viện huyện và Trạm y tế xã tổ chức khám sàng lọc, phân loại sức khỏe học sinh, theo dõi và quản lý các bệnh, tật tuổi học đường như: bệnh răng miệng, tật khúc xạ, cong vẹo cột sống... Qua kiểm tra, giám sát, các trường học đã đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ăn uống đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho học sinh (đạt trên 98%), có đủ nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống thu gom và xử lý rác, hệ thống cống thoát nước đạt yêu cầu (đạt trên 95%); số trường học được kiểm tra có địa điểm xây dựng trường đạt tiêu chuẩn là 88,33%; tiếng ồn trong trường học đạt tiêu chuẩn cho phép chiếm 95%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phòng học, bàn ghế, chỉ tiêu ánh sáng... còn hạn chế. Kết quả điều tra 120 trường học mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, số trường có kích thước bàn ghế đạt tiêu chuẩn chỉ đạt 30%; chiếu sáng phòng học đạt tiêu chuẩn đạt 51,67%; số phòng học đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng đạt 87,5%. Ngoài ra, công tác y tế trường học vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thuốc, trang thiết bị y tế, một số trường thiếu cán bộ phụ trách công tác y tế. Nhiều trường học, cán bộ y tế trường học làm kiêm nhiệm vụ của hành chính, văn thư...,  kinh phí hoạt động chủ yếu chỉ dựa vào quỹ khám, chữa bệnh BHYT được trích lại… 
 
Bước vào năm học 2016-2017, Sở GD và ĐT, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, các đơn vị y tế tổ chức các hoạt động truyền thông liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh sinh viên; phối hợp tổ chức các hoạt động phòng chống dịch, bệnh, tật trong trường học và các dịch bệnh mới xuất hiện; tăng cường đảm bảo ATTP, nhất là các trường học nuôi ăn bán trú; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tư vấn và truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền, vận động học sinh sinh viên tham gia BHYT. Thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ GD và ĐT, có hiệu lực từ ngày 30-6-2016, quy định về công tác y tế trường học, bao gồm: quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường học tập, chăm sóc y tế có liên quan tới sức khỏe của học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học; trường THCS; trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học… Thông tư quy định, các trường học phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Phòng y tế của các trường tiểu học, trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường, cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non cần có các trang bị, dụng cụ chuyên môn và thuốc thiết yếu phù hợp với lứa tuổi. Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh; nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do ngành Y tế, ngành GD và ĐT tổ chức… Ngoài ra Thông tư hướng dẫn chi tiết việc bảo đảm các điều kiện về ATTP, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học, trách nhiệm của các cấp, các đơn vị về công tác y tế trường học./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com