Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là vùng quê thuần nông nên đời sống của nhân dân còn gặp khó khăn. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Tiến đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời triển khai hiệu quả các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
|
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Ấp, ở thôn Lang Xá, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. |
Đồng chí Trần Văn Độ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện Mỹ Lộc, xã Mỹ Tiến đã chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động”. Xã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của học nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm nghề nông: nuôi thủy sản, chăn nuôi lợn thịt, nuôi gia cầm và các nghề: may công nghiệp, móc sợi … Thực hiện theo Quyết định 1956, trong 5 năm qua, mỗi năm xã Mỹ Tiến mở được 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn trên 600 lao động. Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, hoặc áp dụng vào kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho đoàn viên, hội viên, như: kỹ thuật gieo sạ, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách sử dụng các loại phân bón cho lúa và hoa cây cảnh, cách sử dụng một số chế phẩm sinh học, kỹ thuật chăn nuôi lợn, xử lý chất thải trong chăn nuôi… Được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp, người dân Mỹ Tiến đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã xây dựng được 3 vùng chuyên canh gồm: vùng lúa cao sản, đặc sản; vùng chuyên canh cây ăn quả, cây cảnh; vùng nuôi trồng thuỷ sản lúa cá, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Năng suất vụ chiêm xuân đạt 52,35 tạ/ha; năng suất vụ mùa đạt trên 47 tạ/ha. Đặc biệt, trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình trang trại, gia trại. Hiện nay, trên địa bàn xã có 14 trang trại (trong tổng số 26 trang trại của huyện Mỹ Lộc) và 60 gia trại; hầu hết là mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, kết hợp chăn nuôi lợn, nuôi thủy sản và trồng các loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: cam đường canh, bưởi diễn, mít Thái, chanh đào, quất cảnh… Trang trại của gia đình ông Trần Văn Ấp, ở thôn Lang Xá, có diện tích trên 6ha; phần lớn diện tích, ông trồng cam đường canh, bưởi diễn, quất cảnh, chanh đào, kết hợp với nuôi trên 300 con gà Đông Tảo, 10 con lợn nái, trên 50 con lợn thịt và 8 sào ao nuôi cá truyền thống, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. Trang trại của gia đình ông Trần Văn Hiếu, ở thôn Nguyễn Huệ, có diện tích trên 5 mẫu, chuyên nuôi vịt, thả cá truyền thống, trồng các loại cây mít Thái, bưởi diễn, chanh đào, quất cảnh. Gia trại của ông Trần Văn Thuyết, ở thôn La Chợ, chuyên nuôi ba ba, ếch và dịch vụ nhà hàng đặc sản. Đàn lợn, trâu bò và gia cầm trong xã được duy trì phát triển, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hiện nay, xã Mỹ Tiến duy trì đàn lợn 3.500 con, đàn trâu bò 300 con, đàn gia cầm trên 30 nghìn con; diện tích nuôi thủy sản cá lúa ổn định là 116 mẫu 8 sào, cho thu nhập gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Bên cạnh đó, phần lớn lao động trẻ, nhất là lao động nữ lại chọn học các ngành nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, giày da. Xã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Từ năm 2010, Cty TNHH May xuất khẩu Thu Nguyên đã về đầu tư xây dựng nhà máy may, hiện đang thu hút hơn 100 lao động trong xã, với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, có gần 200 lao động của xã làm việc tại các Cty, doanh nghiệp trong KCN Hòa Xá, CCN An Xá (TP Nam Định). Cùng với công tác đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xã Mỹ Tiến tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tính đến hết tháng 9-2016, toàn xã có 870 hộ được vay vốn lãi suất ưu đãi từ các Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, với tổng dư nợ 38,5 tỷ đồng.
Với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo cơ hội để người lao động phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập, xã Mỹ Tiến đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,87%. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện; tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân./.
Bài và ảnh:
Minh Tân