Những năm qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế; trong đó nguồn vốn vay đã giúp đỡ nhiều hội viên CCB có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
Đến thăm gia trại nuôi gà của gia đình bà Cù Thị Hợp, xóm Đồng Tâm, xã Nam Mỹ (Nam Trực) mới thấy được ý nghĩa, hiệu quả của nguồn vốn vay ủy thác. Với mong muốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi nhưng ông bà lại gặp khó khăn về vốn. Năm 2011, thông qua Hội CCB, gia đình bà được tiếp cận với chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay của Ngân hàng CSXH, ông bà làm thủ tục vay vốn với số tiền 20 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất. Có vốn ngân hàng và vay thêm anh em bạn bè, ông bà quyết định xây dựng chuồng trại, nuôi lợn và mua 700 con gà đẻ lấy trứng. Công việc chăn nuôi thuận lợi, ông bà tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại trên diện tích rộng 60m
2, nuôi trên 1.000 con gà đẻ trứng với, bình quân mỗi ngày thu được 200 quả trứng, doanh thu hằng tháng đạt 15 triệu đồng. Năm 2014, ông bà đã trả hết nợ cho Ngân hàng CSXH và có vốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố hơn. Không chỉ những hội viên được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích mà các hội viên vay vốn theo chương trình khác như: cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, vay nước sạch và vệ sinh môi trường cũng phát huy được hiệu quả. Điển hình như trường hợp gia đình ông Trần Văn Hoài, xóm Đồng Tâm, xã Nam Mỹ (Nam Trực) có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ chồng ông phải bươn trải nhiều nghề để nuôi 2 con học đại học. Sau khi biết tới nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình ông đề xuất vay 100 triệu đồng qua kênh học sinh sinh viên. Có vốn, ông bà đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình và trang trải cho con cái ăn học, kinh tế gia đình dần ổn định.
|
Ông Nguyễn Văn Công xóm Đồng Tâm, xã Nam Mỹ (Nam Trực) là hộ gia đình sử dụng vốn vay có hiệu quả phát triển chăn nuôi. |
Để quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay, Hội CCB tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngân hàng duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khâu ủy thác vốn vay, kiểm tra, kiểm soát các tổ vay vốn và hộ vay vốn về công tác phân bổ, bình xét cho vay, giải ngân, thu hồi vốn, trả lãi, quản lý vốn và hiệu quả sử dụng vốn. Hội CCB tỉnh đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra 25 lượt huyện, thành hội; 62 lượt xã; 245 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) và 180 hộ vay. Các huyện, thành hội phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thành phố kiểm tra 760 lượt xã, 1.920 lượt tổ TK và VV, trên 4.000 hộ vay. Tỉnh hội và Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên phối hợp theo dõi kiểm tra hoạt động, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ TK và VV, duy trì hoạt động của tổ TK và VV theo đúng quy chế. Hằng năm phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác, đánh giá phân loại tổ TK và VV, kịp thời sáp nhập những tổ chức có dưới 10 thành viên nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho tổ TK và VV. Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn. Đến nay, có 128/229 hội cơ sở đang nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH do Hội CCB quản lý với 479 tổ, 13.166 hộ vay. Tổng số tiền dư nợ 285 tỷ 409 triệu đồng, trong đó cho vay hộ nghèo gần 38 tỷ đồng, hộ cận nghèo 52 tỷ 776 triệu đồng, vay hộ mới thoát nghèo gần 13 tỷ đồng, vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 76 tỷ 798 triệu đồng, vay xuất khẩu lao động 146 triệu đồng, vay giải quyết việc làm 6 tỷ 396 triệu đồng, vay học sinh sinh viên trên 74 tỷ đồng, vay hỗ trợ làm nhà ở gần 3 tỷ đồng. Ngoài công tác tuyên truyền cho đối tượng được vay vốn, các cơ sở đều chú trọng đảm bảo chất lượng tín dụng. Hiện tại, nguồn vốn vay ủy thác do Hội CCB tỉnh quản lý không có dư nợ xấu, chiếm dụng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,23%. Với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng và từ nguồn quỹ nội bộ của Hội đã tạo điều kiện giúp cho hội viên nghèo, cận nghèo, các đối tượng có vốn sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, giúp cho nhiều hộ gia đình có công trình nước sạch, vệ sinh tạo điều kiện cho nhiều sinh viên là con CCB được đi học đại học, học nghề, nhiều học sinh ra trường có công ăn việc làm ổn định. Nguồn vốn còn giúp cho nhiều hộ gia đình, trong đó có hội viên CCB, cựu quân nhân duy trì, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tăng doanh thu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương trong tỉnh nhất là lao động ở nông thôn góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.
Từ hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp Hội CCB trong tỉnh, thời gian tới, các cấp Hội CCB tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo góp phần vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh