Hiệu quả triển khai Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển" ở Nghĩa Hưng

09:10, 31/10/2016
Từ năm 2010, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) đã tiến hành triển khai thực hiện Đề án “Kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số vùng biển” (Đề án 52). Ngay sau khi Đề án được triển khai, công tác tuyên truyền về dân số - KHHGĐ của xã được đẩy mạnh với nhiều hình thức: Cổ động trực quan bằng hệ thống pa nô, áp phích, khẩu hiệu; cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số trực tiếp đến các gia đình tuyên truyền, vận động; tổ chức nói chuyện chuyên đề trong các buổi họp xóm, sinh hoạt CLB của phụ nữ. Các tổ chức đoàn thể ở các xóm đều thành lập và đẩy mạnh hoạt động của các CLB “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” (Hội Nông dân); “CLB tiền hôn nhân” (Đoàn Thanh niên); “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” (Hội Phụ nữ). Hằng tháng, đội ngũ CTV dân số thực hiện “Sổ ghi chép ban đầu về dân số - KHHGĐ” phản ánh các thông tin cơ bản về bản thân từng người trong hộ dân cư; các thông tin về KHHGĐ, thay đổi về dân số, địa chỉ cư trú của hộ dân... Qua đó, đã kịp thời thu thập, cập nhật các thông tin về: Số dân đầu vào, mới sinh, mới đến, hộ mới, các thông tin biến động, thay đổi các biện pháp tránh thai… gửi Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện kiểm tra và cập nhật vào kho dữ liệu điện tử, phục vụ cho việc quản lý, kiểm soát dân số. Triển khai thực hiện Đề án 52, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã Nghĩa Châu đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách và 19 CTV dân số thực hiện tốt các quy chế tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn. 100% nhân viên y tế thôn được cấp túi y tế thôn theo danh mục thuốc Bộ Y tế ban hành, được cung cấp bổ sung vật tư thuốc kịp thời vào kỳ giao ban hằng tháng. Hiện tại, trạm y tế xã đã triển khai được hầu hết các dịch vụ kỹ thuật Sở Y tế phê duyệt và chủng loại thuốc trong danh mục quy định. Hằng tháng, trạm y tế tổ chức dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi năm xã tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép CSSKSS-KHHGĐ, qua đó người dân được cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn về CSSKSS. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2016, Trạm Y tế xã Nghĩa Châu đã khám dự phòng cho 8.779 lượt người. Xã Nghĩa Trung hiện có 1.690 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Triển khai Đề án 52, xã đã kiện toàn 14 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; sinh hoạt định kỳ vào tuần đầu mỗi tháng, trong đó, nội dung sinh hoạt CLB lồng ghép triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” và mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân”, “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”, “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nội dung cơ bản của các buổi sinh hoạt CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3” luôn gắn với truyền thông về các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ; nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, từ đó chuyển đổi hành vi chấp nhận thực hiện KHHGĐ. Hiện nay, xã Nghĩa Trung đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác dân số: giảm tỷ suất sinh 0,1%o; giảm người sinh con thứ 3 trở lên là 1,5%; tỷ lệ giới tính khi sinh là 110 cháu trai/100 cháu gái. Tại các xã ven biển như: Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải và Thị trấn Rạng Đông, Phòng khám quân dân y kết hợp (BĐBP tỉnh) phối hợp với Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động thiết thực của Đề án 52. Trong đó, tập trung triển khai các mô hình phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn trên địa bàn... nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành cho các đối tượng, góp phần phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản/lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp. Hằng năm, Phòng khám quân - dân y kết hợp Đồn Biên phòng Ngọc Lâm phối hợp với ngành Dân số và chính quyền các xã ven biển khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho trên 5.300 lượt người/năm; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 1.200 lượt người/năm tại các xã trên địa bàn biên phòng. 
Phòng khám quân dân y kết hợp (BĐBP tỉnh) tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho nhân dân các xã ven biển huyện Nghĩa Hưng.
Phòng khám quân dân y kết hợp (BĐBP tỉnh) tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho nhân dân các xã ven biển huyện Nghĩa Hưng.
Đồng chí Trần Quang Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nghĩa Hưng cho biết: Là 1 trong 3 địa phương trong tỉnh được tiếp nhận Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển”, khi triển khai thực hiện, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể; tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, điều tra, thu thập, củng cố thông tin tại địa bàn, hoàn thiện dữ liệu về thực trạng từng xã... để có giải pháp hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cũng kết hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện đề án ở các xã, thị trấn; thành lập đội lưu động y tế dân số - KHHGĐ thực hiện công tác truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ. Các xã, thị trấn tổ chức truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về KHHGĐ, tư vấn về chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở các vùng xa, vùng khó khăn. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 52, toàn huyện có trên 30 nghìn phụ nữ độ tuổi sinh đẻ được tư vấn và chăm sóc SKSS-KHHGĐ; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 4,4% (năm 2012) xuống còn 1,6% (năm 2015); tỷ lệ giới tính khi sinh được kiểm soát theo hướng tích cực từ 120 cháu trai/100 cháu gái (năm 2011) xuống còn 115 cháu trai/100 cháu gái (năm 2015). Toàn huyện có 142/343 xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên. Huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện tốt Đề án “kiểm soát dân số vùng biển” giai đoạn 2 (2015-2020). Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, giảm số người sinh con thứ 3 trở lên 1,5%o mỗi năm nhằm giữ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 1% để tiến tới ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Đối với nhóm dân số ven biển sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản, tăng cường cung cấp các dịch vụ về dân số - KHHGĐ bằng nhiều hình thức để người dân dễ tiếp cận (đội lưu động, điểm cung cấp dịch vụ tại chỗ...). Nâng cao chất lượng dịch vụ dân số và CSSKSS; tổ chức cung cấp các dịch vụ sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ SKSS và KHHGĐ, đặc biệt là các gói dịch vụ thiết yếu, đảm bảo quyền sinh sản và đáp ứng nguyện vọng của mọi đối tượng. Huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân, các tổ chức vào cung cấp dịch vụ dân số - SKSS. Chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ dân số - SKSS trong toàn huyện theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao năng lực và tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học về dân số - SKSS; đẩy mạnh tin học hoá hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số - SKSS. Tăng cường năng lực giám sát, đánh giá, phân tích và dự báo về dân số - SKSS để chỉ đạo, thực hiện kịp thời các giải pháp về công tác dân số - SKSS./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com