Thực trạng thị trường thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu luôn là mối lo ngại của người tiêu dùng. Để tăng nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, các ngành chức năng của tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp có thương hiệu, có năng lực sản xuất và khả năng cung ứng nguồn hàng lớn, đủ chi phối thị trường tham gia cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.
|
Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị BigC Nam Định. |
Trên địa bàn tỉnh có 2 Trung tâm thương mại lớn là BigC và Micom Plaza đang mở rộng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Để phục vụ nhu cầu mua thực phẩm sạch của nhân dân, ngay từ đầu năm, Siêu thị BigC đã tích cực lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường các chương trình hợp tác với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng phong phú, đa dạng. Cam kết của Siêu thị BigC là luôn có đa dạng các mặt hàng thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm… Với nguồn hàng này, siêu thị luôn đảm bảo số lượng rau, củ, quả, thịt lợn, thịt vịt, thịt gà… đạt chuẩn VietGAP với hơn 50 loại do các nhà cung cấp thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong cả nước. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), công tác giám sát, kiểm nghiệm được BigC thực hiện ngay tại nguồn, tại kho và kiểm tra ngẫu nhiên tại siêu thị thông qua đội ngũ quản lý chất lượng chuyên nghiệp và qua việc thắt chặt công tác cung ứng, ưu tiên lấy hàng từ những nhà cung cấp có chứng nhận chuỗi ATTP, các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Cùng với BigC, Trung tâm thương mại Micom cũng đang liên kết với các cơ sở sản xuất rau sạch, các nhà máy sản xuất chế biến theo tiêu chuẩn HACCP; các cơ sở đã tạo lập được mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học theo chuỗi, từ chăn nuôi, thức ăn, sản phẩm đa dạng các loại rau, củ, quả, thịt cá, hải sản tươi… để đưa ra thị trường. Để đảm bảo ATTP, cơ sở nhập hàng từ các nguồn cung có uy tín, tên tuổi trên thị trường như Đông Đô, VIETFOODS, Đức Việt, Đôi đũa vàng… và các hộ nông dân, HTX đảm bảo đủ tiêu chuẩn ATTP trong tỉnh, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với các nhà cung cấp lớn, siêu thị căn cứ trên giấy tờ, hồ sơ sản phẩm từ nhà cung cấp, đặc biệt là giấy chứng nhận ATTP. Với các hộ nông dân, HTX quy mô nhỏ lẻ, siêu thị thống nhất các điều kiện tiêu chuẩn về ATTP, đó là mỗi khách hàng đến ký hợp đồng cung cấp thịt, rau, gạo… đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm phải có đủ các điều kiện quy định, cung cấp thường xuyên và có trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng ATTP đồng thời giá cả hợp lý, ổn định. Cùng với 2 trung tâm thương mại lớn, hiện trên địa bàn Thành phố Nam Định đang hình thành một số cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch, đơn cử như cơ sở thực phẩm Linh Chi trên phố Lê Hồng Phong và cửa hàng rau sạch Sunday trên phố Vị Hoàng. Hai cơ sở này đang liên kết với các cơ sở đủ điều kiện ATTP nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước có các mặt hàng được xác nhận an toàn của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản để cung cấp tới tay người tiêu dùng. Cùng với các trung tâm thương mại lớn, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn, hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO và HACCP, tiêu biểu như Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, Cty CP Bia NaDa, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định. Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh cũng đang từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản tập trung và tập trung kiểm soát dư lượng các chất độc hại. Đó là các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Giao Phong (Giao Thủy), Xuân Ninh (Xuân Trường); Yên Nhân, Yên Dương (Ý Yên) nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, một số mô hình sản xuất rau tiên tiến cũng đang dần được hình thành như: mô hình trồng rau tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tại Vụ Bản, mô hình sản xuất thử nghiệm rau an toàn bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (CCN An Xá). Một số mô hình nuôi trồng thủy sản như: vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh đảm bảo các quy định về ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP đang được duy trì ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ), mô hình nuôi cá bống bớp tại Nghĩa Hưng, sản phẩm sứa ăn liền ở Thị trấn Thịnh Long (Giao Thủy), ngao sạch Giao Thủy… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đang hình thành một số mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, tiêu biểu như: Các hộ nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng; chả cá Hùng Vương (Giao Thủy); nước mắm của Cty CP Chế biến Hải sản Nam Định; sản phẩm sứa ăn liền của Cty Tân Long, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); lợn sữa, xúc xích, thịt hun khói của Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định; ngao sạch Giao Thủy của doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung; nghêu sạch, hàu sạch của Cty Thủy sản Lenger, CCN An Xá (TP Nam Định); giò nóng 7 phút Nam Phát của Cty CP Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định)… góp phần làm phong phú thêm hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc xây dựng và phát triển được hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, nhưng quy mô các mô hình này còn nhỏ và chưa được phổ biến nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hầu như tập trung trên địa bàn Thành phố Nam Định. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư lưu thông phân phối thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, có nguồn gốc để thực phẩm an toàn được đến tay người tiêu dùng nông thôn. Để làm được điều này cần vận động doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống phân phối; có chế độ để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp kết nối để tạo ra kênh phân phối bền vững cho thực phẩm an toàn tại khu vực nông thôn. Để phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn bền vững, cần xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bắt đầu từ công đoạn cung cấp vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi…) đến khâu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt…) và cuối cùng là đến giai đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng chuỗi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp phải tự đầu tư, trang bị máy móc, xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP. Một khó khăn nữa là giá cả của các thực phẩm sạch, an toàn luôn cao hơn các thực phẩm thông thường nên khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp… Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thông qua những chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; bắt đầu từ những đề án phát triển các vùng nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm sạch và có cơ chế tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm này. Các cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm cũng cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (về thủ tục cấp phép, tiêu thụ sản phẩm…) để tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và lưu thông sản phẩm… Cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thực phẩm sạch, tẩy chay những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh tạo cơ hội cho thực phẩm sạch phát triển theo hướng tích cực./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận