Những sai phạm trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công tại xã Liêm Hải (kỳ 2)

06:10, 29/10/2016

[links()]

Xã Liêm Hải có 347 người được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 và 300 người được hưởng chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng số người được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 thì có 215 người nộp 100 nghìn đồng, 92 người nộp 50 nghìn đồng, 40 người không nộp; tương tự trong số 297 người được hưởng chế độ theo Quyết định số 62 có 175 người nộp 100 nghìn đồng, 105 người nộp 50 nghìn đồng, còn lại 20 người không nộp tiền...

(Tiếp theo và hết)
Cần làm rõ và xử lý nghiêm những người sai phạm
 
Số liệu thống kê trên được đồng chí Chủ tịch UBND xã Liêm Hải đưa ra trong buổi làm việc với chúng tôi. Như vậy, trong quá trình triển khai thu tiền của các đối tượng là người có công để hoàn thiện hồ sơ tại xã Liêm Hải lại tiếp tục xảy ra một “nghịch lý” nữa đó là có người nộp đủ (theo mức của xã đặt ra và của Chỉ huy trưởng quân sự xã “quy định”), có người nộp một nửa và có người không nộp. Toàn xã có 390 người phải nộp tiền ở mức cao nhất 100 nghìn đồng/người; có 197 người nộp mức 50 nghìn đồng và 60 người không phải nộp tiền. Theo đó, tổng số tiền thu được là 48 triệu 850 nghìn đồng, trong đó số tiền ông Chiều tự ý thu vượt thêm so với chủ trương của xã là 19 triệu 500 nghìn đồng. Rõ ràng chủ trương thu tiền của xã Liêm Hải là sai nhưng điều làm nhân dân bất bình, phẫn nộ hơn nữa là sự không công bằng, khuất tất trong việc thu tiền. Tại sao có người phải nộp tiền ở mức 100 nghìn đồng, có người chỉ nộp 50 nghìn đồng và nhiều người lại không phải nộp tiền? Theo đánh giá của dư luận thì những trường hợp không nộp tiền là người thân quen, họ hàng của ông Chiều?! Việc thu tiền sai quy định đã xảy ra trong một thời gian dài, vậy có hay không sự bao che, dung túng của Đảng ủy, UBND xã Liêm Hải? Có hay không sự yếu kém của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục, tuyên truyền đối với cán bộ, công chức xã? Bên cạnh vấn đề thu tiền sai quy định trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách cho người có công, những người tố cáo còn nêu nhiều vấn đề liên quan đến tác phong làm việc, phẩm chất cán bộ của cá nhân Chỉ huy trưởng quân sự xã như: uống rượu trong giờ làm việc; hách dịch, cửa quyền… trong việc giao tiếp, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của nhân dân. Tại cuộc trao đổi với chúng tôi về những phản ánh của dư luận đối với việc thực hiện công tác chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định 142 và Quyết định số 62 của UBND xã và những việc làm khuất tất của công chức Đỗ Hải Chiều trong quá trình thực thi công vụ của mình, đồng chí Đinh Quang Vịnh, Chủ tịch UBND xã Liêm Hải thừa nhận: Việc Thường trực Đảng ủy, HĐND và UBND xã đồng ý với chủ trương cho phép Hội đồng chính sách và Ban chỉ đạo xã thu mỗi đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 142 và Quyết định số 62 để chi phí cho tổ chức hội nghị, công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu, trả công cho một số người được trưng tập viết và hoàn thiện hồ sơ của các đối tượng… là không đúng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và của huyện. Là người đứng đầu chính quyền nhưng bản thân cũng không suy nghĩ thấu đáo về những quyết định của mình và không lường hết được những sự việc “đáng tiếc” đã xảy ra. Hơn nữa, việc thành lập “Tổ giúp việc” cho Hội đồng chính sách và Ban chỉ đạo xã cũng được thực hiện theo cách “trưng tập” mà không có quyết định thành lập, với thành phần không được lựa chọn kỹ lưỡng mà chỉ là những người “viết đẹp, chữ viết ngay ngắn” cũng là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm. Đặc biệt vì quá tin tưởng cán bộ của mình nên trong quá trình triển khai thực hiện, UBND xã đã không thường xuyên kiểm tra, giám sát nên “nhiều lúc không nắm bắt được bản chất sự việc”, do đó đã để xảy ra những sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Còn việc Xã đội trưởng Đỗ Hải Chiều có uống rượu khi tiếp công dân và có cách hành xử không đúng mực trong khi giải quyết công việc tại công sở, lãnh đạo UBND xã thừa nhận là đúng. Nhận thức được những việc làm sai phạm ảnh hưởng không tốt đến dư luận, gây mất an ninh trật tự và phát sinh tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp tại địa phương, thời gian qua Thường trực Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã tổ chức hội nghị đánh giá, kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Qua hội nghị, lãnh đạo xã đã phê bình ông Chiều trước hội nghị toàn thể UBND xã; đồng thời yêu cầu ông Chiều làm bản kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm và nhận hình thức kỷ luật. Tuy nhiên việc làm kiểm điểm lần đầu của ông Chiều đã không được chấp nhận vì chưa thỏa đáng, do vậy UBND xã đã yêu cầu ông Chiều tiếp tục làm lại bản kiểm điểm lần hai, trong đó nêu rõ nguyên nhân, vai trò, trách nhiệm của mình khi để xảy ra những sai phạm và thành khẩn trong việc nhận rõ những khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, UBND xã sẽ họp, xem xét cụ thể; đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện cũng như các kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng để từ đó có hình thức xử lý thỏa đáng đối với cá nhân ông Chiều và những người liên quan.
 
Một chủ trương đúng đắn, nhân văn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ghi nhận những đóng góp của những người đã hy sinh một phần tuổi trẻ, xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi triển khai thực hiện ở xã Liêm Hải đã xảy ra nhiều sai phạm, gây bức xúc, mất lòng tin trong nhân dân. Từ chủ trương thu tiền sai quy định của cấp ủy, chính quyền xã Liêm Hải đến việc tự ý thu vượt và những biểu hiện cửa quyền, hách dịch của một công chức của xã diễn ra trong suốt thời gian qua liệu có sự bao che của lãnh đạo địa phương hay không? Nếu phóng viên Báo Nam Định không về tận nơi tìm hiểu thì đến bao giờ những sai phạm này mới được phơi bày trước công luận? Liệu những sai phạm ở xã Liêm Hải chỉ là trường hợp cá biệt? Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra để phòng ngừa, ngăn chặn (nếu có) tình trạng tương tự có thể xảy ra ở các địa phương khác trong tỉnh.

Trong quá trình thực hiện bài viết này (với những sai phạm đã phân tích ở trên) Báo Nam Định lại nhận được một đơn đề nghị, phản bác lại những tố cáo về sai phạm của Chỉ huy trưởng quân sự xã, đơn có tên, có chữ ký của một số đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ theo Quyết định 142 và Quyết định 62 (như Đỗ Nguyên Cẩn, Đinh Minh Chí, Đinh Minh Đoan, Đào Việt Bắc, Trần Văn Hùng, Phạm Quốc Tuân…) nhưng không có địa chỉ cụ thể. Nội dung đơn đề nghị của những người này khẳng định: việc thu 100 nghìn đồng là hoàn toàn tự nguyện, tác phong làm việc và giao tiếp với dân của Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải là “hòa nhã, nghiêm túc”?! Vậy những người đứng đơn phản bác tố cáo này nhằm mục đích gì? Phải chăng họ cũng có cùng “lợi ích” với Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải?

Khôi Nguyên Khánh An
 
[links()]
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com