Thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ GD và ĐT và Bộ Công an về “Công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong trường học và cơ sở giáo dục” và Kế hoạch liên ngành giữa Sở GD và ĐT và Công an tỉnh về phối hợp đẩy mạnh phong trào “An toàn trường học”, trong những năm qua, Sở GD và ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh chủ động ngăn ngừa và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy xâm nhập học đường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Xác định công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong nhà trường không chỉ là ngăn chặn mà còn giáo dục văn hóa, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống và khả năng tự bảo vệ cho học sinh, sinh viên (HSSV), hằng năm trên cơ sở công tác phối hợp, tham mưu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Phòng Bảo vệ An ninh - Chính trị nội bộ (Công an tỉnh), Sở GD và ĐT đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy xâm nhập học đường vào đầu mỗi năm học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: lồng ghép tuyên truyền vào tuần lễ giáo dục công dân đầu năm học, trong giờ chào cờ đầu tuần, trong các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp hay tổ chức các buổi tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống ma túy và phòng chống HIV/AIDS, hội thi tuyên truyền về phòng chống ma túy dưới hình thức sân khấu hóa, hội thi “An toàn trường học” hay tham gia mít-tinh, diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống ma túy” và “Tháng an toàn phòng chống ma túy”… Thông qua công tác tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức và hiểu biết cho HSSV về nguy cơ, tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy, tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Phòng chống ma túy để từ đó các em có ý thức và chủ động phòng chống ma túy cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng với công tác tuyên truyền, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống ma túy ở các trường học, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban giám hiệu, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội sinh viên của nhà trường duy trì công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trường học. Hằng năm, Sở GD và ĐT tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống ma túy cho các cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường nhằm giúp đội ngũ này nắm vững những kiến thức cơ bản về ma túy, thực trạng tệ nạn ma túy trong thanh niên và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy học đường. Trong công tác giảng dạy chính khóa, Sở GD và ĐT chỉ đạo tất cả các đơn vị giáo dục, trường học phổ thông tổ chức tốt việc giáo dục, phòng chống ma túy trong chương trình giáo dục chính khóa thông qua việc dạy tích hợp, lồng ghép ở các môn học như: Đạo đức, Sinh học, Giáo dục công dân… 100% giáo viên phụ trách các bộ môn này phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiết dạy theo quy định. Các trường học thông qua hộp thư góp ý để phát động HSSV tham gia tố giác những HSSV có những biểu hiện hoạt động liên quan đến tội phạm về ma túy, vi phạm pháp luật.
|
Học sinh, sinh viên Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26-6). |
Đặc biệt, thời gian qua, hai ngành Giáo dục và Công an đã triển khai sâu rộng và nâng cao hiệu quả phong trào “An toàn trường học” trong các cơ sở giáo dục với 5 nội dung “tự quản” (tự quản về giờ giấc, từ quản về quan hệ ứng xử trong nhà trường, tự quản về sinh hoạt, tự quản về kinh tế và tự quản trong học tập), 3 nội dung “tự phòng” (phòng chống tội phạm, ma túy, tai tệ nạn xã hội) và 2 nội dung “tự bảo vệ” (tự bảo vệ về tính mạng, tài sản) nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong nhà trường. Trong quá trình thực hiện mô hình phong trào, ngành GD và ĐT đã quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, đây chính là lực lượng nòng cốt, là cầu nối duy trì công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục HSSV nhất là công tác quản lý học sinh cá biệt, có nguy cơ mắc nghiện. Bằng tình cảm, trách nhiệm và cách ứng xử sư phạm khéo léo, kết hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã cảm hóa được những học sinh “cá biệt”, kịp thời uốn nắn các em không sa đà vào tệ nạn ma túy, đưa các em trở về đúng quỹ đạo học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó các trường học đã kết hợp phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” gắn với đẩy mạnh các hoạt động của chi Đội, chi Đoàn, các tổ chức tự quản, từ đó tạo nên phong trào quần chúng xây dựng trường học an toàn sâu rộng trong HSSV, hình thành thế trận liên hoàn vững chắc ngăn chặn sự xâm nhập của tệ nạn ma túy trong học đường.
Với việc chủ động phối hợp với lực lượng Công an và triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy trong trường học nên trong nhiều năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh không phát hiện tình trạng cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh mắc vào tệ nạn ma túy, giữ gìn sự trong sạch, lành mạnh trong môi trường giáo dục ở các trường học. Kết quả phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đến nay toàn tỉnh có trên 90% nhà trường, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh là cơ sở vững chắc, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy chất lượng GD và ĐT của tỉnh không ngừng được nâng lên. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh dẫn đầu toàn quốc với 16 lĩnh vực công tác xuất sắc, được Bộ GD và ĐT tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”; đồng thời giữ vững là đơn vị 21 năm liên tục dẫn đầu toàn quốc về GD và ĐT. Chất lượng giáo dục toàn diện được củng cố vững chắc, trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2015-2016 vừa qua, Nam Định là tỉnh có điểm thi trung bình cao nhất cả nước./.
Bài và ảnh:
Thu Thuỷ