Ý Yên tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

07:09, 08/09/2016
Huyện Ý Yên có 25 vạn dân, trong đó có trên 14 vạn người đang ở độ tuổi lao động, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
Làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Ý Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo dạy nghề nông thôn; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, với mục tiêu đào tạo nghề cho 10.450 người ở cả 3 cấp trình độ. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên Đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn, các cuộc họp ở khu dân cư. Trong đó tập trung tuyên truyền về quyền lợi của người học nghề; quy trình tuyển sinh dạy nghề; tổ chức tư vấn về lựa chọn nghề, định hướng nghề có thu nhập ổn định và dễ tìm việc sau đào tạo; đồng thời tổ chức tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Trước khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm cho lao động nông thôn, huyện Ý Yên đều tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân tại toàn bộ 419 thôn, xóm và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 300 doanh nghiệp, gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trên 3.500 hộ kinh tế tư nhân; trong đó 3 CCN ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh, thu hút 198 doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.300 lao động. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hằng năm, UBND huyện phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người lao động như: Mở lớp chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh ở xã Yên Phúc, lớp đúc kim loại ở xã Yên Xá, lớp điêu khắc gỗ ở xã Yên Bình. Kết quả, trong 5 năm qua toàn huyện đã tổ chức được 135 lớp đào tạo nghề cho nông dân theo Đề án 1956, gồm 99 lớp đào tạo các nghề thêu ren, may, đúc đồng, mộc, thủ công mỹ nghệ... và 36 lớp đào tạo nghề nông nghiệp như: nuôi thủy sản, nuôi lợn, nuôi gà, vịt… Tổng số lao động được đào tạo là 4.565 người. Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Sau khóa học, hầu hết người lao động đều nắm vững các kiến thức cơ bản, có kỹ năng làm việc, có khả năng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại gia đình và được giới thiệu việc làm, bao tiêu sản phẩm theo ngành nghề đào tạo. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các ngành, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức, cá nhân trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho vay vốn ưu đãi để thu hút lao động, giải quyết việc làm. Vì vậy, 80% số lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.
 
Với những cách làm cụ thể, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Ý Yên đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thời gian tới UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát thị trường lao động để gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phù hợp với quy hoạch sản xuất của các địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.
 
Bài và ảnh:  Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com