Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Kết quả và những vấn đề đặt ra

08:09, 23/09/2016

Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực thi Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ 1-1-2016). Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc, cần tháo gỡ để đưa Luật BHXH sửa đổi vào cuộc sống.

Mở rộng đối tượng và đảm bảo chế độ chính sách cho người tham gia BHXH

Thực hiện Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2016, BHXH tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn BHXH các huyện, thành phố và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện các chế độ BHXH theo Luật. Đến nay, tại tỉnh ta, số người tham gia BHXH, BHYT đạt 1.323.186 người, tăng 157.755 người (tương ứng với tăng 13,6%) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 138.082 người, tăng 12.216 người

(tăng 9,71%) so với cùng kỳ năm 2015; số người tham gia BHTN là 127.907 người, tăng 13.022 người (tăng 11,3%) so với cùng kỳ năm 2015; số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.232 người tăng 747 người (tương ứng với 21,43%) so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, việc thực hiện Luật BHXH sửa đổi đã mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động do các quy định về chế độ chính sách được hoàn thiện. Luật BHXH sửa đổi mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Xã Hải Tây (Hải Hậu) hiện có 31 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Họ là các phó chủ tịch MTTQ, phó chủ tịch các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự, phó trưởng công an xã. Từ năm 2015 trở về trước, nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã có quá trình làm việc lâu dài nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không có chế độ gì nên dẫn đến tâm lý không yên tâm công tác. Để ghi nhận đóng góp của các cán bộ cấp xã, phường, Luật BHXH sửa đổi quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng đối với mỗi đối tượng là 22%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 14%, người lao động tự đóng 8% theo mức lương cơ sở. Đây là quy định mang tính nhân văn sâu sắc hướng tới đảm bảo an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng cho xã hội khi đối tượng này cao tuổi. Bên cạnh đó, theo Luật BHXH sửa đổi, đối với BHXH tự nguyện bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân, quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt ngoài các phương thức đã quy định lần này cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Ông Trần Văn Lĩnh, phường Thống Nhất (TP Nam Định) cho biết: Trước đây, ông làm bảo vệ tại một doanh nghiệp đã đóng BHXH 11 năm. Tháng 5 năm 2016, ông đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi), nếu thực hiện theo Luật BHXH cũ, ông chỉ được quỹ BHXH thanh toán chi chế độ BHXH một lần là hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Luật BHXH sửa đổi, ông được đóng một lần (9 năm thiếu BHXH với số tiền gần 90 triệu đồng) và được hưởng chế độ BHXH hằng tháng là hơn 2 triệu đồng/tháng.

Thực hiện Luật BHXH sửa đổi, 8 tháng năm 2016, Cty CP Dệt may Sơn Nam ký hợp đồng lao động và thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 820 lao động.
Thực hiện Luật BHXH sửa đổi, 8 tháng năm 2016, Cty CP Dệt may Sơn Nam ký hợp đồng lao động và thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 820 lao động.

Qua 8 tháng triển khai Luật BHXH sửa đổi, ngành BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt quy định nguyên tắc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH, đổi mới phong cách phục vụ chuyển từ hành chính sang phục vụ, người làm công tác BHXH phải tìm đến đối tượng phục vụ, giúp họ tiếp cận tốt nhất với việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, đồng thời giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục BHXH; đa dạng hóa các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ phục vụ thuận lợi đối với cá nhân, tổ chức khi giao dịch BHXH. Do đó, những tháng đầu năm 2016, công tác giải quyết các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, chính sách BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đảm bảo. Công tác thẩm định xét duyệt các chế độ BHXH ngắn hạn luôn được thực hiện đúng quy định, tạo thuận lợi cho người lao động, các đơn vị sử dụng lao động đến liên hệ làm việc được dễ dàng, nhanh gọn, đúng thời gian. Toàn tỉnh đã thẩm định và xét duyệt 5.879 lượt người hưởng BHXH, trong đó: có 1.704 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng; 2.381 người hưởng trợ cấp BHXH một lần; 32.710 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe với số tiền hưởng 107 tỷ 520 triệu đồng. Công tác giải quyết và chi trả chế độ BHTN trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động tham gia BHXH, BHTN. Anh Phạm Văn Đinh (SN 1983), trú tại xóm 7, xã Hải Phương (Hải Hậu) trước đây làm việc tại Cty CP Đúc Chính Xác tại tỉnh Đồng Nai; do nhiều yếu tố khách quan, Cty nơi anh làm việc giải thể, trong đó, có hơn 50 công nhân bị thất nghiệp. Tuy nhiên, Cty nơi anh làm việc đã đóng bảo BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, vì vậy, khi trở về quê hương lập nghiệp, anh đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng (với mức trợ cấp là 3.263 nghìn đồng/tháng). Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1977), phường Trần Quang Khải (TP Nam Định) làm việc tại Cty Youngone Nam Định, được Cty thực hiện nghiêm túc chính sách đóng BHXH, BHTN cho người lao động; vì lý do sức khỏe, chị nghỉ việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng…

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật BHXH trên địa bàn tỉnh ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; đặc biệt là một số chính sách mới do chưa có văn bản quy định cụ thể nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ để giải quyết và một số văn bản hướng dẫn còn mâu thuẫn, không thống nhất. Cụ thể, chưa có quy định của cơ quan có thẩm quyền về niên hạn phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và giá trị quy ra tiền để thanh toán; quy định cụ thể về tỷ lệ thương tật bao nhiêu là được hưởng và số ngày được nghỉ dưỡng sức tương ứng với tỷ lệ thương tật, bệnh tật. Việc chuyển đổi lương mới đối với những trường hợp nghỉ việc trước tháng 10-2004, bảo lưu thời gian, đến nay mới giải quyết hưởng chế độ BHXH; chưa có văn bản quy định cách tính số ngày lẻ lớn hơn 24 ngày nhưng không tròn tháng; chưa có quy định trong giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ chế độ thai sản, hết chế độ đi làm lại, có tham gia BHXH, đồng thời tăng mức đóng ngay tháng đi làm lại và bị ốm ngay tháng đó. Trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà công việc đó không gắn liền với nhiệm vụ lao động (tham gia công tác đoàn thể, tham gia hội thao…) chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền. Bên cạnh đó, khó khăn trong giải quyết chế độ đối với bệnh dài ngày ngoại trú thời gian dài, liên tục khi Thông tư Liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH cho phép cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc theo hạng bệnh viện từ 5 đến 10 ngày. Mâu thuẫn, không thống nhất trong hướng dẫn thực hiện về chế độ thai sản giữa Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH và khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Thực hiện Luật BHXH sửa đổi, thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để giảm số nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh nhưng tình trạng chậm đóng, nợ đọng, tham gia không đầy đủ cho người lao động vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ nợ đọng còn cao; tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến 20-8-2016 là 182 tỷ 902 triệu đồng (Nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 86 tỷ 142 triệu đồng, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 65 tỷ 125 triệu đồng, nợ BHYT là 25 tỷ 510 triệu đồng, nợ BHTN là 6 tỷ 125 triệu đồng). Các đơn vị nợ đọng nhiều là Cty CP Th­ương mại tổng hợp Nam Định, Cty CP Comma 19, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Xây lắp I - Nam Định, Cty CP May Nam Hải, Cty Xây lắp điện Nam Hà... Nguyên nhân cơ bản dẫn đến vi phạm chính sách BHXH là tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHXH chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT, BHXH đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhiều đơn vị được cấp giấy phép hoạt động, có sử dụng lao động nhưng tìm mọi cách trốn tránh, không đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Theo số liệu khảo sát, năm 2016 toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 đơn vị với khoảng 23 nghìn lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa đăng ký tham gia.

 Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHXH sửa đổi, thời gian tới, BHXH tỉnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trên cả 3 tiêu chí: về phát triển đối tượng, về số tiền thu và giảm tỷ lệ nợ dưới mức quy định. Trong đó xác định rõ công tác phát triển đối tượng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH 10 huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ban, ngành ở địa phương nắm bắt số đơn vị đang hoạt động, số đơn vị được thành lập mới hoặc giải thể phá sản, số lao động cũng như biến động về lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn để đôn đốc, vận động tham gia BHXH. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến BHXH từng cấp, từng cá nhân chuyên quản; đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là chỉ tiêu đánh giá chủ yếu về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với BHXH huyện, thành phố. Đối với công tác giải quyết và chi trả các chế độ, BHXH tỉnh chú trọng đến công tác quản lý giải quyết và chi trả các chế độ BHXH để một mặt bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an toàn tiền mặt; đa dạng hóa các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, chú trọng đến công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, giả mạo, lập khống hồ sơ để trục lợi quỹ BHXH. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, đảm bảo thực hiện tốt công tác thu và mở rộng, phát triển đối tượng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com