Thời gian gần đây, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ), đặc biệt nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, tai nạn do phương tiện thủy đâm, va vào các công trình vượt sông gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm các quy định về an toàn ĐTNĐ, công tác quản lý lỏng lẻo, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT ĐTNĐ trong tình hình mới.
Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng với lộ trình thực hiện trong 5 năm (2016-2020) với mục tiêu: Tạo chuyển biến về nhận thức của quần chúng nhân dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy, nâng cao ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân, thay đổi hành vi, cách ứng xử khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT ĐTNĐ. Phát huy kết quả kinh nghiệm nhiều năm liền tỉnh không có TNGT đường thủy; ngăn ngừa TNGT đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước ĐTNĐ. Ban ATGT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên, Sở GTVT phối hợp với ngành Công an và các đơn vị liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự ATGT ĐTNĐ là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định. Các ngành chức năng cũng phối hợp với các địa phương kiểm tra hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn; các vi phạm về khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng sông, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến luồng tàu và hành lang bảo vệ công trình giao thông ĐTNĐ. Triển khai đợt khảo sát công tác tổ chức giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh và đã kịp thời phát hiện các điểm bất cập, gây nguy cơ mất ATGT đường thủy để đề xuất cơ quan quản lý Trung ương có phương án khắc phục. Cụ thể như tình trạng tĩnh không của nhiều công trình vượt sông còn thấp, khoang thông thuyền hẹp, đặc biệt là cầu đường bộ, đường sắt. Thước báo hiệu mực nước kẻ khổ chữ nhỏ, mờ, không phản quang về ban đêm, đèn tín hiệu không đủ sáng, khó quan sát dẫn đến nguy cơ gây mất ATGT. Chân đế của các mố cầu Tân Phong to hơn trụ cầu lại thấp dưới mặt nước khiến người điều khiển phương tiện không quan sát được, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn. Hiện tượng phù sa bồi lắng khu vực ngã ba Mom Rô gây biến đổi luồng tàu chạy, tạo ra các bãi cạn vào mùa khô, không đảm bảo quy tắc an toàn luồng theo cấp kỹ thuật, gây khó khăn cho phương tiện vận tải hoạt động. Phương tiện vận tải biển khi hoạt động trong địa bàn ĐTNĐ không nắm vững về luồng, lạch, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, do đó dẫn đến mất ATGT, đặc biệt là khi đi qua khu vực có chiều cao tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp. Nhiều tuyến sông, kênh ở các địa phương có hoạt động vận tải, song chưa được tổ chức quản lý, đặc biệt là hệ thống sông, kênh nội địa thuộc địa bàn tỉnh. Tại khu vực ngã ba Hưng Long (Km1+00 sông Đào) là vị trí cong cua, luồng chạy tàu hẹp, tầm nhìn bị che khuất, lại là khu vực có nhiều điểm bị khan, cạn; đặc biệt sau khi đưa cầu Tân Phong vào sử dụng luồng chạy tàu tiếp tục bị thu hẹp gây nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNGT đường thủy.
|
Bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng) luôn yêu cầu hành khách mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ. |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), từ đầu năm đến ngày 15-9-2016 qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện, xử lý 1.835 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy, phạt trên 910 triệu đồng. Lực lượng chức năng còn kiểm tra 100% các bến, phương tiện chở khách ngang sông đã xử lý hành chính 58 trường hợp vi phạm và đình chỉ hoạt động đối với 4 phương tiện tàu cá tự ý chuyển đổi công năng để chở khách tại khu vực vùng đệm, thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy; bắt giữ, xử lý 41 trường hợp khai thác cát trái phép trên các tuyến sông... Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đường thủy của tỉnh không xảy ra TNGT.
Thời gian tới, Sở TT và TT, các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT ĐTNĐ và cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”… Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với thuyền viên và tàu cá đánh bắt thủy sản như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá...; việc đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản, cần bồi dưỡng kiến thức Luật Giao thông ĐTNĐ khi tàu cá hoạt động trong vùng nước thủy nội địa. Các huyện, thành phố trực chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn. Nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm. Từ nay đến năm 2020, lực lượng liên ngành tiếp tục tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm nóng gây mất trật tự ATGT đường thủy, công tác bảo đảm phương tiện, người lái, bến khách ngang sông, phương tiện chở khách du lịch. Phát hiện và khắc phục dứt điểm các “điểm đen” TNGT đường thủy. Từ năm 2017 sẽ triển khai, tổ chức quản lý hệ thống sông địa phương theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong năm 2017, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy; đổi mới mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổng kiểm tra các cầu, đường dây tải điện, đường ống vượt sông; có giải pháp khắc phục đối với những công trình không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa. Đến năm 2018, sẽ hoàn thành việc cấp giấy phép hoạt động cho các cảng, bến thủy đủ điều kiện; đình chỉ, xóa bỏ các bến thủy trái phép, không đủ điều kiện hoạt động. Đến hết năm 2020 sẽ tiến hành đăng kiểm trên 85%, đăng ký trên 80% số phương tiện được kiểm tra./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy