Thiết thực hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững

04:09, 24/09/2016
“Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn” do Ốt-xtrây-li-a khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường LHQ phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Năm nay, trước thực trạng quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã khai thác và sử dụng triệt để tài nguyên năng lượng khiến môi trường đô thị ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái, sức khỏe người dân chịu nhiều tác động tiêu cực, nên Bộ TN và MT đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch là “Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững!”. 
 
Chủ đề nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực đô thị, hướng tới một đất nước Việt Nam xanh, bền vững. Tại tỉnh ta, “hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững” cũng đã được chủ động triển khai từ nhiều năm nay. Nhận thức được việc quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị theo phương pháp truyền thống khiến người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện xấu, sức khỏe bị ảnh hưởng nên những năm gần đây tỉnh đã chỉ đạo ngành, các địa phương nghiên cứu, áp dụng hướng quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái và đô thị bền vững về môi trường. Đến nay, tỉnh ta đã chủ động tiếp cận mô hình đô thị bền vững ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đô thị. Các ngành, các địa phương đều chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, cảnh quan, văn hóa lịch sử, hướng tới đô thị xanh, bền vững ngay từ khi xây dựng quy hoạch cũng như tổ chức thực hiện tất cả các quy hoạch quan trọng của tỉnh như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thịnh Long tỉnh Nam Định đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2030; Quy hoạch phân khu 20 phường trên địa bàn Thành phố Nam Định; Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý; Quy hoạch chung xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông; Quy hoạch xây dựng NTM toàn bộ các xã, thị trấn; Quy hoạch các khu đô thị mới Mỹ Trung, Thống Nhất, Hòa Vượng; Quy hoạch chung Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Khu nghỉ dưỡng, tắm biển, dịch vụ du lịch xã Giao Phong (Giao Thủy)… Trong quá trình thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, các địa phương đều nhất quán nguyên tắc chỉ đạo bảo đảm đô thị phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị để người dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT, tự giác thực hành sống thân thiện với môi trường; tích cực phát triển công nghiệp xanh theo hướng sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất, cải tiến quá trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn…
Thu dọn rác thải tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Thu dọn rác thải tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Tuy nhiên, theo ngành TN và MT, cũng như các địa phương trên toàn quốc, tình hình đô thị hóa và gia tăng dân số đô thị của tỉnh ta cũng diễn biến khá nhanh và tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí, môi trường đất, nước... Theo thống kê, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của Thành phố Nam Định và các xã lân cận mới đạt 88%. Khu vực nông thôn có 186/204 xã, thị trấn với 2.467/3.052 thôn, xóm có hoạt động thu gom, xử lý rác thải; tổng lượng thu gom khoảng 488,7 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 74,1%. Đến thời điểm hiện nay, tại các huyện, thành phố vẫn tồn tại tình trạng đổ, xử rác thải bừa bãi trong các tuyến phố đô thị, ven sông hồ. Điều đáng lo ngại là hiện toàn tỉnh mới có khoảng trên 30 lò đốt rác; lượng rác thải phần lớn vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp chưa vận hành nghiêm túc theo các quy trình kỹ thuật, đang gây ô nhiễm môi trường; trên địa bàn tỉnh chưa có bãi/ô chôn lấp chất thải rắn công nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN còn nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về BVMT… Để khắc phục các tồn tại, bất cập kể trên và thiết thực hưởng ứng “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”, năm nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đợt cao điểm từ ngày 17 đến ngày 30-9, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc, khu vực đông người; diễu hành, cổ động BVMT. Phát động, duy trì các phong trào BVMT tại cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư; tham gia các hoạt động BVMT vào các ngày chủ nhật 18-9 và 25-9 và các phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày không sử dụng túi ni-lông”, “Cơ quan, đường, phố, khu dân cư xanh, sạch, đẹp”… Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước, trồng và chăm sóc cây xanh; tập trung giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư. Sở TN và MT hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đúng quy trình, kỹ thuật. Đối với các xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt cũng phải thực hiện nghiêm quy định phun chế phẩm EM và thuốc diệt côn trùng tại khu vực tập kết, phân loại rác thải một cách hợp lý, hiệu quả; phải thực hiện vận hành lò đốt đúng quy định. Đối với Khu liên hiệp xử lý rác thải Thành phố Nam Định tại làng Man xã Lộc Hòa, Sở TN và MT yêu cầu Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị nghiêm túc đầu tư đầy đủ các công trình, thiết bị BVMT theo phương án được phê duyệt và tiến hành trồng cây xanh BVMT xung quanh các khu xử lý rác thải. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, các đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục, hồ sơ về BVMT, đẩy mạnh hoạt động xử lý chất thải, đặc biệt công tác thu gom xử lý chất thải y tế nguy hại. Các Trung tâm Phát triển CCN, Ban Quản lý CCN các huyện, thành phố hiện đang khẩn trương lập đề án BVMT chi tiết đối với CCN theo quy định và triển khai lập thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Sở KH và ĐT, Sở Xây dựng tập trung rà soát các dự án, công trình phát triển đô thị hoặc dự án, công trình phải có thủ tục hồ sơ BVMT và thực hiện các biện pháp BVMT trong hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 
 
Thời gian tới, các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác BVMT. Tiếp tục gắn phát triển đô thị với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp quy hoạch của địa phương và của quốc gia; đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tài nguyên, cảnh quan lịch sử, văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, BVMT. Các ngành chức năng, các huyện, thành phố khi cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư, kinh doanh kiên quyết yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường theo quy định. Trong thu hút đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT, không cho phép đầu tư các loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân sinh sống xung quanh khu đô thị và khu dân cư thực hiện tốt công tác BVMT; tạo dư luận và áp lực xã hội, lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học. Toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2016, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt trên 93%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn đạt trên 85%./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com