Những năm gần đây, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có 12.621 cơ sở được quản lý, trong đó có 2.878 cơ sở sản xuất chế biến (chiếm 22,8%), 3.593 cơ sở kinh doanh thực phẩm (28,4%), 4.379 cơ sở dịch vụ ăn uống (34,7%), 1.008 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi (9,8%), 763 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (6,04%). Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, do vậy việc quản lý và kiểm soát khó khăn. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường còn xảy ra nhiều nguy cơ mất ATTP như việc sử dụng không an toàn phân bón, thuốc BVTV, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt nông nghiệp, thủy hải sản, sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất, sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, một số loại rau vẫn còn tồn dư hóa chất vượt mức cho phép… Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP là phải giám sát, cảnh báo mối nguy thực phẩm cho người dân và để truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong trường hợp có xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Thực hiện các xét nghiệm nhanh thực phẩm tại Chi cục ATVSTP tỉnh. |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo ATTP, các ngành chức năng tham gia quản lý thực phẩm trong tỉnh đã quan tâm đầu tư các phương tiện máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra các chỉ tiêu kim loại nặng, định lượng hóa chất BVTV và một số hoá chất bảo quản bao gồm các máy quang phổ hấp phụ nguyên tử, máy sắc ký lỏng cao áp…, tiến tới chuẩn hóa công tác kiểm nghiệm để phục vụ công tác giám sát. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có Phòng Xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005, đã triển khai xét nghiệm thẩm định chất lượng nước, thực phẩm cho cả 3 ngành (Y tế, NN và PTNT, Công thương). Hằng năm, Phòng Xét nghiệm đều có đánh giá thử nghiệm liên phòng. Tại Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, hóa mỹ phẩm tỉnh có trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm chức năng. Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng được đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật để triển khai kiểm nghiệm các vấn đề về hóa lý trong lĩnh vực thực phẩm. Để phục vụ công tác giám sát, Chi cục ATVSTP tỉnh đã được đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật xét nghiệm nhanh cả về hóa lý và vi sinh gồm những trang thiết bị như máy xét nghiệm nhanh vi sinh di động, máy đo đậm độ vi khuẩn, máy xét nghiệm một số chỉ tiêu hóa lý… để xác định sự có mặt các loại vi khuẩn trong thực phẩm, máy xét nghiệm nhanh vi sinh di động 3M hoặc một số máy xét nghiệm nhanh về sinh hóa như máy đo lượng Clo dư trong nguồn nước máy, máy đo nồng độ cồn, đường… Ngoài ra, Chi cục ATVSTP tỉnh còn ứng dụng phần mềm quản lý các cơ sở thực phẩm xem sự nắm bắt của các cơ sở về các vấn đề về ATTP; phần mềm trong quản lý công tác báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm cho các địa phương… Việc thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo ATTP còn được thực hiện tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Định kỳ, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh cho cán bộ trung tâm y tế các huyện, thành phố; đồng thời tăng cường năng lực của hệ thống giám sát như kiện toàn, củng cố 10 Khoa ATTP - Y tế công cộng tại 10 trung tâm y tế tuyến huyện về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đủ khả năng đảm nhận quản lý ATTP tại địa phương. Cùng với đó là việc tổ chức quản lý ATTP theo hướng chủ động trong giám sát phát hiện để cảnh báo bằng việc triển khai giám sát chất lượng thực phẩm và ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, các quán ăn, các chợ, các cửa hàng ăn uống, người bán hàng rong trên địa bàn và thực hiện giám sát trọng điểm hằng tháng đối với các nhóm thực phẩm có khả năng nguy cơ cao. Công tác này được triển khai bằng cách lấy mẫu xét nghiệm nhanh; qua đó sẽ cảnh báo những nguy cơ về mất ATTP dẫn tới ngộ độc thực phẩm… Qua kết quả giám sát, phát hiện thời gian qua cho thấy tỷ lệ ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 14-23%, chủ yếu do nhiễm yếu tố vi sinh vật, các phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép như phẩm màu, chất bảo quản, hóa chất BVTV… Từ những kết quả giám sát, các cơ quan chức năng đưa ra các thông tin cảnh báo về ATTP công khai trên website của ngành và Cục ATTP (Bộ Y tế), hoặc qua các cơ quan truyền thông của Trung ương, của tỉnh, qua cảnh báo của cơ quan y tế địa phương... Đơn cử, năm 2015, qua việc lấy trên 300 mẫu thực phẩm (thủy sản, hải sản, rau, củ, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt…), ngành NN và PTNT tỉnh đã phát hiện ra 2 mẫu cá bống bớp có dư lượng thuốc kháng sinh Enrofloxacin, 1 mẫu mực tồn dư hóa chất bảo quản ure, 1 mẫu thịt gà dư lượng kháng sinh Florfenicol, 1 mẫu rau củ cải phát hiện hoạt chất cấm Endosulfan, 5 mẫu thuốc thú y không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công bố. Cơ quan chức năng đã tổ chức điều tra nguyên nhân vi phạm, giám sát đình chỉ thu hoạch tại các hộ nuôi trồng, yêu cầu cam kết không tái diễn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi trồng, bảo quản sản phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống trang thiết bị phục vụ xét nghiệm của tỉnh chưa đủ điều kiện để đi sâu, phân tích các mối nguy cơ từ hóa chất, kim loại nặng của nhóm thực phẩm có nguy cơ cao nên các đơn vị phải gửi mẫu lên Trung ương, thời gian trả kết quả lâu, chi phí tốn kém. Nhiều mẫu kiểm nghiệm về thủy sản, hải sản của ngành NN và PTNT vẫn phải gửi mẫu ra Hải Phòng xét nghiệm. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn chồng chéo trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng do nhiều ngành quản lý. Công tác quản lý các cơ sở thuộc ngành Nông nghiệp và ngành Công thương phân cấp cho địa phương nhưng địa phương vẫn giao cho y tế chịu trách nhiệm. Việc quản lý thực phẩm theo chuỗi chưa thực hiện được. Kinh phí để mua hóa chất, sinh phẩm, test nhanh phục vụ công tác xét nghiệm thực phẩm không được cấp. Để tăng cường giám sát ATTP, thời gian tới các ngành chức năng cần tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo ATTP. Tiếp tục cập nhật các thông tin về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp kịp thời những thông tin cảnh báo về ATTP tới người dân, góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý về ATTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận