Quan tâm chăm sóc giáo dục mầm non

08:09, 19/09/2016
Năm học vừa qua, ngành học Mầm non (Sở GD và ĐT) đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên từng bước được trẻ hóa, “chuẩn hóa’’ đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành học. Số trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin đối với phụ huynh học sinh và xã hội. 
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trong một tiết học ngoài trời.
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trong một tiết học ngoài trời.
Với tổng số 266 trường mầm non, trong đó có 262 trường công lập, 4 trường tư thục, toàn ngành đã huy động được 35.035 trẻ ra nhà trẻ, đạt 45,6% số trẻ trong độ tuổi, tăng 0,1% so với năm học trước; 92.948 trẻ ra lớp mẫu giáo, đạt 98,3% độ tuổi, tăng 0,2% so với năm học trước. Các địa phương đều duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với 28.439 trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp diện phổ cập, đạt 100%. Ngành đã có 93,5% trẻ nhà trẻ được nuôi ăn bán trú, tăng 0,7% so với năm học trước; 97,27% trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú, tăng 1,24% so với năm trước. Trong năm học, ngành học đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, bảo đảm về vệ sinh, dinh dưỡng và các điều kiện an toàn cho trẻ, đặc biệt quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phòng dịch, phòng tai nạn, thương tích, ngộ độc thực phẩm. 100% cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, đảm bảo VSATTP và triển khai nhiều biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Đến nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm 1,2% ở nhà trẻ; giảm 1,4% ở mẫu giáo; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,2% ở nhà trẻ, giảm 0,9% ở mẫu giáo. Toàn ngành tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các trường. Trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD và ĐT, ngành học đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin, làm đồ dùng, đồ chơi… và chỉ đạo các nhà trường khuyến khích đội ngũ giáo viên học tin học, ngoại ngữ, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Ở hầu hết các trường mầm non, trẻ đến trường đều được theo dõi, đánh giá sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Với nội dung xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với từng chủ đề, các trường đã tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tạo góc chơi phù hợp, nội dung phong phú, trò chơi hấp dẫn theo từng chủ đề để trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường đầy đủ đồ chơi, thiết bị bảo đảm an toàn, thẩm mỹ, đa dạng đã giúp trẻ tìm tòi khám phá theo chủ đề, được thực hành, trải nghiệm, khám phá bằng các giác quan, được rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm. Đồng thời giúp trẻ bộc lộ khả năng của bản thân và ngày càng mạnh dạn, tự tin, phát huy vai trò chủ động sáng tạo trong các hoạt động. Để tổ chức các hoạt động này, hầu hết giáo viên trong các nhà trường đã khai thác, phát huy tác dụng của mỗi loại tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi phân loại theo chủ đề; hướng dẫn trẻ theo các bước mở đầu, khám phá và kết thúc chủ đề và đưa vào các hoạt động học, vui chơi ở các góc lớp, ở ngoài trời để giúp trẻ tích cực tìm tòi, nghĩ ra nhiều cách chơi, đáp ứng việc cung cấp và củng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Bên cạnh đó, các trường, phòng và Sở GD và ĐT thường xuyên tổ chức các hội thi: Giáo viên nuôi dạy giỏi, trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề, nhóm lớp, thi đồ dùng đồ chơi tự làm, “Bé khỏe”, thi phát triển vận động cho trẻ…, tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Việc tạo cảnh quan môi trường xung quanh lớp học cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới trong các nhà trường. Nhiều trường đã trích kinh phí, vận động phụ huynh cùng tham gia, tạo môi trường thân thiện cho trẻ như: Xây dựng bồn hoa, cây cảnh, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, sân khấu ngoài trời… tạo cho trẻ cảm nhận “học mà chơi, chơi mà học”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với những kiến thức từ cuộc sống và phát huy tối đa tinh thần học nhóm của trẻ, từ đó giúp trẻ tự tin, sáng tạo, kích thích trẻ khám phá, trải nghiệm. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay ngành học đã có 148 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I, trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II và có 39 trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Công tác quản lý mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được các trường quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả. 
 
Để không ngừng nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, năm học 2016-2017, ngành giáo dục Mầm mon tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành GD và ĐT. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường tích cực xây dựng môi trường sư phạm, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Toàn ngành phấn đấu từ nay đến cuối năm học sẽ có thêm 18-20 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia và rà soát công nhận lại 25-30 trường, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tiếp tục huy động trẻ ra nhà trẻ, trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ra lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 0,5-1%. Đồng thời đảm bảo an toàn về thân thể, tinh thần, vệ sinh, thực phẩm, dịch bệnh cho trẻ khi đến trường… Tiếp tục triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, thực hiện chuyên đề phát triển vận động, tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, xây dựng môi trường giao tiếp; nghiên cứu triển khai cuộc thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi phát triển trí tuệ cho trẻ. Chú trọng đánh giá sự phát triển của trẻ theo định kỳ, theo chủ đề; đánh giá những diễn biến tâm - sinh lý của trẻ nhằm sớm phát hiện những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ. Căn cứ tình hình thực tế, các trường tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu giáo dục và chăm sóc trẻ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com