Những năm qua, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nên hạ tầng giao thông ở vùng nông thôn trong tỉnh được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực khi phát triển giao thông nông thôn, tình trạng mất ATGT, TNGT, vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở các tuyến đường nông thôn khá phức tạp.
|
Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), góp phần bảo đảm trật tự ATGT. |
Theo Sở GTVT có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước hết là do sự bất cập thiếu đồng bộ về tổ chức giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng giao thông NTM được tập trung về làm đường mà chưa quan tâm đến hệ thống đèn tín hiệu, biển báo. Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng NTM, hầu hết những con đường dân sinh trong các khu dân cư do chính quyền và nhân dân địa phương cùng làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết, vì khi thi công thiếu khảo sát, thiếu sự trợ giúp kỹ thuật của các nhà chuyên môn, nên phạm nhiều lỗi kỹ thuật như đường quanh co, tạo ra nhiều khúc cua gấp, tầm nhìn bị che khuất, có nhiều mương nước hai bên đường, thiếu đèn chiếu sáng và thiếu hệ thống biển báo giao thông… Bão số 1 tháng 7-2016, gây hư hỏng hệ thống biển báo. Riêng tại huyện Hải Hậu, trong đợt bão số 1 vừa qua, gió bão đã làm hư hỏng 100/700 biển báo thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Trong tổng số gần 1.000 biển báo trên các tuyến giao thông nông thôn, bão số 1 làm gãy đổ hoàn toàn, không sử dụng được 100 biển; làm hư hỏng nhẹ, mất tác dụng chỉ dẫn giao thông khoảng 500 biển. Trong khi chưa sửa chữa khắc phục kịp thời, người tham gia giao thông chủ quan, chạy xe tốc độ cao, vượt ẩu dễ dẫn đến tai nạn. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ TNGT trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã do thiếu hệ thống báo hiệu đường bộ. Đến nay, rất nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị, đề xuất về việc có phương án xử lý, khắc phục việc thiếu hệ thống biển báo tại một số điểm giao thông, dễ xảy ra TNGT. Cụ thể như, người dân các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu phản ánh sau khi Quốc lộ 37B hoàn thành, tình trạng TNGT đã gia tăng; đề nghị các ngành chức năng quan tâm lắp đặt đèn, biển báo và gờ giảm tốc tại các vị trí giao cắt với đường địa phương trên Quốc lộ 37B... Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT cho biết sau khi cơn bão số 1 tan, ngành và các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương khắc phục, sửa chữa những biển báo bị hư hỏng nhẹ; thống kê, xây dựng phương án sửa chữa đối với những biển báo hư hỏng nặng, tiến hành trong tháng 9-2016. Để tăng cường đảm bảo ATGT, từng bước góp phần giảm TNGT, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã. Theo đó, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố tùy theo phân cấp quản lý và ủy thác tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã; chú trọng rà soát hệ thống báo hiệu tại các vị trí đường địa phương giao cắt với các quốc lộ. Từ đó, Sở GTVT sẽ tập hợp số liệu, kiến nghị với các cơ quan quản lý đường bộ Trung ương sớm khắc phục những bất cập trên các tuyến quốc lộ; bổ sung, khắc phục những tồn tại, thiếu sót về hệ thống biển báo đối với những tuyến đường do tỉnh quản lý, từng bước hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ được giao quản lý và ủy thác theo Quy chuẩn báo hiệu quốc gia về đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT); ưu tiên bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm đối với các đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT: Để việc đầu tư, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí, trong công tác tiếp nhận bàn giao quản lý, khai thác đối với các công trình giao thông đường bộ, nhất là các công trình giao thông nông thôn, các địa phương cần chú trọng yêu cầu có đầy đủ nội dung về thiết kế hệ thống bảo đảm ATGT, nhất là hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải xác định thực tế có nhiều nút giao trên các tuyến quốc lộ là do trong điều kiện kinh phí còn hạn chế chúng ta đang phải sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Theo quy chuẩn, không phải cứ có điểm giao là có thể lắp được biển báo hoặc gờ giảm tốc vì chỉ ưu tiên lắp đặt ở các tuyến đường chính, không để xảy ra tình trạng loạn biển báo, gờ giảm tốc. Hiện Sở GTVT tăng cường hướng dẫn các đơn vị trong ngành áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn báo hiệu đường bộ theo quy định. Cụ thể: khi tiến hành rà soát để điều chỉnh biển báo về tốc độ, vị trí lắp biển báo trên các tuyến tránh quốc lộ qua khu dân cư đô thị phải phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, phù hợp với thực tế nhằm nâng cao khả năng khai thác các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn. Các dự án đang triển khai thi công hoặc đã thi công xong phải yêu cầu các chủ dự án kiểm tra, loại bỏ các biển hạn chế tốc độ bất hợp lý; đồng thời bố trí, thay thế bằng các biển báo có nội dung cảnh báo phù hợp. Đối với đoạn tuyến quốc lộ nếu phải lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ thì cần giải thích rõ lý do; đồng thời phải bố trí theo hướng giảm dần, tránh gây đột ngột để thuận lợi cho việc lưu thông, vận hành của các phương tiện tham gia giao thông trên đường. Bên cạnh đó, để tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân nông thôn nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, thực hiện các biện pháp phòng tránh TNGT như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ quy định tốc độ, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe... Mỗi địa phương cũng có kế hoạch chủ động bố trí, huy động hợp lý nguồn kinh phí để sớm đầu tư, lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT nông thôn; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT, giải tỏa các chướng ngại, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường giao thông nông thôn; vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn. Đồng thời, các địa phương cũng huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra. Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, các địa phương sẽ tăng cường xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý