Về xã Nam Thái (Nam Trực), chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của cán bộ, nhân dân nơi đây với những thành quả trong xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn của xã từng bước khởi sắc, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Trong những năm thực hiện công cuộc xây dựng NTM, xã đã thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo lại hệ thống tưới tiêu nước, mở rộng đường với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng. Ngoài ra, xã đã xây kè 21,2km và đổ bê tông 15,9km đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí 12,3 tỷ đồng. Nhờ dồn điền đổi thửa, xã đã đưa máy móc thay sức lao động vào các khâu trong quy trình thâm canh nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động từ 15-17%. Xã đã làm mới 2,3km đường liên xã Nam Tiến - Nam Thái với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng; làm mới đường trục xã, liên thôn 6,9km (trong đó đường nhựa 3,3km, đường bê tông liên thôn 3,6km) với kinh phí 6,6 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp và làm mới 29,5km đường bê tông xóm với tổng kinh phí 8,6 tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông trong xã cơ bản được xây dựng cứng hoá, bê tông hoá thuận tiện cho việc đi lại. Về cơ sở vật chất văn hoá, xã đã cải tạo nhà văn hóa xã với quy mô 250 chỗ ngồi có phòng thư viện, phòng truyền thống, phòng đọc, có sân thể thao tập trung; xây dựng và sửa chữa 18 nhà văn hóa thôn với đầy đủ trang thiết bị với tổng kinh phí 4,36 tỷ đồng từ một phần ngân sách và sự đóng góp của nhân dân. Đến nay, xã có 18/20 thôn được UBND huyện công nhận, công nhận lại danh hiệu “Làng văn hóa”, các khu dân cư đều đạt khu dân cư tiên tiến; trên 90% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Trong phát triển sự nghiệp giáo dục, từ năm học 2013-2014, xã đã đầu tư 3,9 tỷ đồng xây dựng phòng chức năng cho 2 trường học. Đến nay, trường THCS và 2 trường tiểu học của xã đều được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ II. Trạm y tế xã được đầu tư xây mới, được trang bị đầy đủ các thiết bị với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay tỷ lệ người dân trong xã tham gia BHYT tự nguyện đạt trên 71%. Công tác vệ sinh môi trường được xã quan tâm, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và đầu tư mua lò đốt rác. Về kinh tế, do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động được sắp xếp lại từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề khác như dệt may, xây dựng, dịch vụ, làm bún phở… góp phần nâng tổng thu nhập toàn xã lên 50-70 tỷ đồng/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã trên 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Xã cũng tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng già cả, cô đơn, không nơi nương tựa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%. ANTT xã hội trên địa bàn xã được giữ vững. Hằng năm, 100% số khu dân cư được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, vùng quê thuần nông, độc canh cây lúa Nam Thái đã thực sự khởi sắc. Đến nay xã đã đạt 17 tiêu chí NTM theo chuẩn quốc gia, 2 tiêu chí đạt mức cơ bản của tỉnh. Thôn Hải Thượng có 175 hộ với trên 500 nhân khẩu được phân bố ở các xóm: Đông, Tây và Dưới. Thực hiện xây dựng NTM, thôn đã quy định nhân dân đóng góp 70 nghìn đồng/sào/vụ.
|
Làng quê xã Nam Thái hôm nay. |
Mỗi năm, thôn huy động 140 triệu đồng. Đồng chí Phan Văn Sang, Bí thư chi bộ thôn Hải Thượng cho biết, từ sự đóng góp của nhân dân xóm đã tập trung nạo vét kênh mương, đổ kênh cấp 2, cấp 3, xây kè đường, cầu cống, xây dựng nhà văn hoá với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cuối năm 2016 thôn sẽ đổ bê tông 300m đường sau làng, đến năm 2017 sẽ làm 600m kênh mương với sự hỗ trợ 40% kinh phí của UBND xã.
Đồng chí Nguyễn Văn Diệu, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái cho biết: Bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM của xã là: Cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm với thôn xóm và xã hội. Xây dựng đề án, lộ trình xây dựng NTM xuất phát từ đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương; lựa chọn, chỉ đạo quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lấy “dồn điền đổi thửa” là khâu đột phá để đưa cơ giới hóa, tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao hiệu quả thu nhập cho người lao động. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các chủ trương, chính sách, các dự án đều được dân chủ công khai, có lộ trình, bước đi phù hợp, không nóng vội, tránh bệnh thành tích. Những khó khăn, vướng mắc được xã giải quyết kịp thời, dứt điểm, có sự giám sát của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong thực hiện các công việc, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; trong quản lý luôn công khai minh bạch và kiểm tra giám sát chặt chẽ về chất lượng các công trình. Bên cạnh đó, các thôn đã nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của những người con quê hương đang sinh sống trên mọi miền đất nước chung tay xây dựng quê hương./.
Bài và ảnh:
Đức Thiện