Hội Đông y Nghĩa Hưng hiện có 2 phòng chẩn trị, 18 chi hội, trong đó 5 chi hội lồng ghép với các trạm y tế xã, thị trấn, tổng số gần 70 hội viên. Những năm qua, Hội Đông y huyện đã đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, xây dựng và phát triển tổ chức, kế thừa những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý, phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, sưu tầm, bảo tồn cây thuốc, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học. Trung bình mỗi năm, Hội Đông y huyện và các phòng chẩn trị đã khám chữa bệnh cho trên 40 nghìn lượt bệnh nhân; trong đó có khoảng 1/4 số người được khám chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… và kết hợp tư vấn sức khỏe cho hàng nghìn lượt người.
|
Bốc thuốc cho người dân đến khám bệnh tại Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Hội Đông y Nghĩa Hưng. |
Trong công tác điều trị, nhiều năm qua Hội Đông y huyện và các phòng chẩn trị trên địa bàn không để xảy ra sai sót về chuyên môn. Năm 2015 các ngành chẩn trị trực thuộc Hội Đông y huyện đã khám cho gần 64 nghìn lượt bệnh nhân; 6 tháng đầu năm 2016, đã khám cho trên 25 nghìn lượt bệnh nhân; tỷ lệ khỏi bệnh đạt khoảng 62%, tỷ lệ đỡ bệnh khoảng 20% lượt bệnh nhân. Cùng với công tác khám chữa bệnh, hằng năm Hội khám bệnh nhân đạo, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2010 đến năm 2015, Hội Đông y huyện đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 10 nghìn lượt người với số tiền 20 triệu đồng; châm cứu từ thiện 60 nghìn lượt bệnh nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khám bệnh cho gia đình chính sách không thu tiền, cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 6 triệu đồng. Hội thường xuyên phối hợp với Hội Giáo chức, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… nói chuyện, tư vấn về sử dụng thuốc nam phòng chữa các bệnh theo mùa. Hằng năm Hội Đông y huyện đều tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên nhằm xây dựng đội ngũ hội viên giàu y đức, giỏi y thuật. Đến nay Hội đã đào tạo 1 lớp lý luận cơ bản gồm 62 học viên, 2 lớp bệnh học gồm 115 học viên, 1 lớp nội khoa cho 68 học viên, 7 lớp thuốc nam châm cứu đơn thuần cho 242 học viên, 1 lớp truyền thụ cho 45 học viên, 1 lớp bồi dưỡng nâng cao cho 65 học viên; tổ chức 2 lớp châm cứu cho 138 học viên… Trong quá trình hoạt động, nhiều gia đình đã phát huy tốt truyền thống cao đẹp của nghề y là “chữa bệnh cứu người”. Tiêu biểu như gia đình cụ lương y Vũ Viết Vân có 11 người làm nghề y, trong đó có 2 bác sĩ tây y và 9 người làm đông y, đông dược; gia đình ông Trần Thanh Viên có 5 người làm nghề y… Trong công tác kế thừa, phát triển đông y, Hội Đông y huyện thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chuyên đề về phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán điều trị bệnh bằng đông y; tổ chức thảo luận các bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh bằng đông y được đăng trong Tạp chí
Đông y Việt Nam trong hội viên. Đặc biệt phương pháp khám chữa bệnh đúc rút bệnh án điển hình của các bệnh như chứng phong kinh lạc (liệt thần kinh 7 ngoại biên) chỉ châm cứu không dùng thuốc của hội viên Hội Đông y huyện đã được Hội Đông y tỉnh áp dụng và phổ biến rộng rãi; các bệnh: đau thần kinh tọa; phong nhiệt; phong sà bì; sỏi mật; sỏi thận… của hội viên Hội Đông y huyện đã đạt hiệu quả cao về thực tiễn. Nhiều hội viên đã có những đóng góp cho khoa học Đông y; điển hình như lương y Vũ Quang Vinh dịch cuốn sách
“Bút hoa y kinh” của Trung Quốc gồm 4 quyển và bộ sách thời kỳ triều Lê có giá trị cao về lý luận và thực hành. Các thế hệ hội viên lương y gia truyền cũng tích cực chế thuốc hoàn tán về các bệnh bổ huyết, bổ tỳ, phong thấp, cảm mạo 4 mùa, tiêu độc… phục vụ cho việc điều trị bệnh. Trong hoạt động, các lương y thường xuyên giao lưu trao đổi những kinh nghiệm hay, môn thuốc quý để truyền thụ lại cho thế hệ trẻ, đồng thời khai thác hợp lý, kết hợp bảo tồn để duy trì nguồn dược liệu phục vụ chữa bệnh. Hội Đông y huyện còn vận động hội viên tích cực khai thác và nuôi trồng dược liệu giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, tham gia trồng cây thuốc tại trạm y tế, trường học, vườn nhà, trong chậu cảnh…; hướng dẫn nhân dân trồng cây vừa làm rau vừa làm thuốc, vừa làm cảnh vừa làm thuốc; vận động hội viên và nhân dân trồng cây thuốc tại gia đình phục vụ chữa bệnh. Trong quá trình hoạt động, Hội còn phối hợp với các trạm y tế địa phương khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều chi hội đã xây dựng được tổ chức vững mạnh, hoạt động tiêu biểu như chi hội Đông y các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Nghĩa Lợi, Thị trấn Quỹ Nhất...
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, Hội Đông y huyện và các chi hội cơ sở đã tạo được niềm tin đối với người bệnh. Thời gian tới, Hội Đông y Nghĩa Hưng tiếp tục củng cố mạng lưới tổ chức Hội từ huyện xuống cơ sở; lồng ghép hoạt động giữa Hội Đông y và trạm y tế các xã, thị trấn để kết hợp khám, chữa bệnh bằng đông y và tây y. Phát triển phong trào trồng cây dược liệu trong toàn huyện; đặc biệt là trồng cấy các loại dược liệu quý để có đủ nguồn dược liệu phục vụ chữa bệnh cho nhân dân./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận