Giải pháp hiệu quả thi hành Luật Công nghệ thông tin

05:09, 10/09/2016
Luật Công nghệ thông tin (CNTT) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2006, có hiệu lực từ ngày 1-1-2007; là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNTT định hướng và tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực CNTT phát triển và hội nhập quốc tế. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật CNTT đã góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực CNTT Việt Nam phát triển nhanh chóng. Tại tỉnh ta, sau 10 năm thực hiện Luật CNTT đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại với các công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
 
Luật CNTT ra đời giúp cơ quan chuyên trách có cơ sở pháp lý hình thành bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực CNTT đến cấp huyện và ngày càng khẳng định vai trò, hiệu quả quản lý. Ngành chức năng và các cấp chính quyền thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng và phát triển CNTT theo các quy định của pháp luật một cách thường xuyên, đồng bộ từ Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đến nay, tỉnh đã hình thành được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin dùng chung, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc cho các cơ quan, đơn vị. Các hệ thống thông tin phục vụ công tác thông tin, chỉ đạo và điều hành  trong trường hợp khẩn cấp như: Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các huyện, thành phố được quan tâm đầu tư và khai thác, dần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tại các cơ quan, đơn vị đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất về hạ tầng CNTT; đồng thời từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT; nhất là các ngành y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, văn hóa - thông tin... đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Ứng dụng CNTT, thương mại điện tử được quan tâm triển khai và trở thành công cụ hữu hiệu cho các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, điều hành, quản lý ở các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng của tỉnh như: ngân hàng, may mặc, điện lực, viễn thông... giúp thúc đẩy việc lưu thông, mua bán hàng hóa.
Cán bộ Phòng Công thương huyện Hải Hậu ứng dụng CNTT trong xử lý công việc.
Cán bộ Phòng Công thương huyện Hải Hậu ứng dụng CNTT trong xử lý công việc.
Sau 10 năm thực hiện Luật CNTT theo Sở TT và TT đánh giá, việc ứng dụng và phát triển CNTT tại tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng và Nhà nước về CNTT còn chưa kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước về CNTT ở cấp huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT. Nhiều cán bộ, công chức chưa hình thành thói quen sử dụng văn bản điện tử trong công việc, trình độ CNTT của các cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế và không đồng đều. Việc chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các đơn vị còn chậm nên nhiều đơn vị đã được đầu tư hạ tầng và ứng dụng nhưng chưa khai thác, phát huy hết hiệu quả. Công tác triển khai ứng dụng CNTT chưa được đồng bộ, thiếu trọng tâm. Chưa thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành tham gia vào việc triển khai ứng dụng và nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT trong cải cách hành chính. Vấn đề an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin nói chung và các hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành điện tử, trang/cổng thông tin điện tử nói riêng tại các cơ quan chưa được quan tâm đầu tư đúng mức... 
 
Thực trạng tồn tại trong thực thi Luật CNTT của tỉnh ta cũng giống như nhiều địa phương trên toàn quốc. Một trong những nguyên nhân quan trọng là Luật CNTT còn nhiều bất cập dẫn đến việc thực hiện Luật còn “dở dang”. Mới đây, Bộ TT và TT đã tiến hành đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật CNTT, chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong quá trình thi hành để có cơ sở xây dựng Đề án sửa đổi Luật CNTT; tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực CNTT phát triển hơn nữa để phù hợp với tình hình thế giới đã bước sang giai đoạn thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh đã ở tầm quốc tế. Qua quá trình quản lý, thi hành Luật ở địa phương Sở TT và TT đã đề nghị Bộ TT và TT xem xét, nghiên cứu khoản 4 Điều 5 Luật CNTT “Ưu tiên dành một khoản ngân sách Nhà nước để ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực thiết yếu, tạo lập nền công nghiệp CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT” để đề ra mục chi ngân sách ổn định cho lĩnh vực CNTT. Đề nghị Bộ TT và TT ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành một số điều, khoản quan trọng trong Luật CNTT như: khoản 4, Điều 62 (quy định ngân sách Nhà nước có loại chi riêng về CNTT); khoản 2 Điều 63 hiện mới chỉ triển khai ở một số địa phương có tiềm lực về kinh tế, còn tại Nam Định cũng như nhiều địa phương còn khó khăn về kinh tế thì chưa được áp dụng. Đề nghị Bộ TT và TT tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật CNTT, Sở TT và TT đề xuất Bộ TT và TT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT và công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách của Trung ương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực CNTT tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT ở các địa phương. Sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về biên chế, chính sách ưu đãi cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng và triển khai chính quyền điện tử đảm bảo phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử đã được Bộ TT và TT ban hành. Đề nghị Bộ TT và TT, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện định mức chi cho các hoạt động CNTT, quy trình quản lý nhiệm vụ CNTT, cơ chế phối hợp liên ngành./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com