Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong thời kỳ đổi mới, nhân dân Thị trấn Cát Thành đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường bám đất, bám làng, đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến và năng động, sáng tạo làm giàu trong cơ chế mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trước Cách mạng Tháng Tám, xã Cát Chử (nay là Thị trấn Cát Thành) là trung tâm của huyện Trực Ninh. Nhân dân Cát Chử đã sớm giác ngộ cách mạng và nung nấu quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, xã được đồng chí Tùng Giang, Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh về gây dựng cơ sở, vận động quần chúng thành lập tổ chức cứu quốc, sau đó thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc, thu hút nhiều thanh niên trong xã tham gia. Từ đó ở Cát Chử đã có nhiều cơ sở an toàn cho cán bộ Việt Minh của tỉnh, của huyện họp bàn nhiệm vụ cách mạng và chỉ đạo triển khai phong trào ra toàn huyện. Trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng thanh niên trong xã đã tích cực tham gia cùng lực lượng quần chúng cách mạng của các xã trong huyện giành chính quyền ở huyện. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, với tấm lòng sắt son với Đảng, nhân dân trong xã đã nhất tề đứng lên theo lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Đến cuối năm 1945, lực lượng vũ trang của xã đã có 1.950 người (bằng ¼ dân số). Trong thời kỳ bị tạm chiếm, lực lượng vũ trang cùng nhân dân trong xã đã xây dựng 280 hầm bí mật che giấu cán bộ, bộ đội, kiên cường, dũng cảm tổ chức rào làng kháng chiến, tiêu biểu là Làng kháng chiến Bắc Hà liên tiếp đánh bại 25 cuộc tấn công của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã đã có 1.202 người ra nhập bộ đội, 794 du kích, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; 217 liệt sĩ, 125 thương, bệnh binh. Đặc biệt trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xã đã có những người con ưu tú, chiến sĩ cách mạng như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu, đồng chí Nam Sao. Với những chiến công đó, năm 2005, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thị trấn Cát Thành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Thầy và trò Trường Tiểu học Trực Thành trong giờ học rèn kỹ năng sống. |
Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Cát Thành đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn, nhân dân thị trấn luôn năng động, sáng tạo, cùng đồng tâm nhất trí đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện từng bước CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thị trấn đã hoàn thành định hướng quy hoạch đô thị và đang tập trung khai thác các nguồn vốn thông qua các dự án đầu tư của Trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn vốn đóng góp của nhân dân để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển đô thị, trọng điểm như các công trình tỉnh lộ 480, CCN Cát Thành. Từ năm 2010 đến nay, xã đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng 8 phòng học cao tầng Trường THCS Trực Thành, 4 phòng học cao tầng Trường Tiểu học Trực Cát, tôn tạo 2 nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hoá tổ dân phố và các công trình phúc lợi, các công trình văn hoá tâm linh trên địa bàn. Song song với xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, với lợi thế là thị trấn trẻ bên bờ sông Ninh Cơ, giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện, Đảng ủy, chính quyền Thị trấn Cát Thành đã định hướng tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho nghề truyền thống của địa phương phát triển. Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, thị trấn được quy hoạch thành 3 vùng gồm: Khu vực phát triển thương mại dịch vụ bố trí sát trục đường chính của thị trấn gồm các khu dân cư thôn Trực Cát; khu dân cư thôn Hương Cát phát triển nghề khâu nón lá truyền thống và khu dân cư Phú An, CCN Cát Thành; tập trung phát triển nghề dịch vụ vận tải pha sông biển và công nghiệp đóng tàu. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, UBND thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh nằm trên địa bàn, đồng thời tranh thủ huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN. Để các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn yên tâm đầu tư, UBND thị trấn tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đảm bảo an ninh trật tự. Bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ phát triển, đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực: vận tải thủy, cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển, làm nón lá truyền thống và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và hàng nghìn lao động ở khu vực lân cận. Riêng nghề vận tải thủy, Thị trấn Cát Thành có khả năng vận chuyển hàng hóa nội địa và vươn ra lãnh hải khu vực các nước Đông Nam Á. Hiện nay trên địa bàn Thị trấn Cát Thành có CCN đa ngành tại vùng bãi sông Ninh Cơ với tổng diện tích 26ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 20,8 tỷ đồng, CCN hiện đã có 5 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, cơ khí… với tổng mức đầu tư trên 269,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, thị trấn đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, từ thành công trong việc dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, Thị trấn Cát Thành đã tập trung tổ chức triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện thâm canh giống lúa nếp cái hoa vàng là đặc sản của địa phương trên diện rộng với tổng diện tích trên 200ha, chiếm 50% tổng diện tích gieo cấy của thị trấn. Đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, đưa nhanh các giống gia súc, gia cầm có chất lượng, giá trị thu nhập cao vào chăn nuôi.
Phát huy truyền thống anh hùng, năng động trong công cuộc đổi mới, trong những năm qua, kinh tế của thị trấn có bước tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 5%; cơ cấu kinh tế của thị trấn phát triển theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp chiếm 36,2%, dịch vụ thương mại 39% và nông nghiệp 24,8%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Toàn thị trấn có trên 70% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng