Trước khi bước vào xây dựng NTM, qua rà soát, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia thì xã Yên Dương (Ý Yên) mới đạt 7 tiêu chí, còn 12 tiêu chí chưa đạt. Sau gần 3 năm quyết liệt triển khai chương trình xây dựng NTM, đến hết năm 2015, xã đã thực hiện đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; trong đó có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia; 2 tiêu chí là: cơ sở vật chất văn hóa và y tế đạt mức cơ bản theo mức của tỉnh. Vừa qua, xã Yên Dương đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020.
|
Làng văn hoá thôn Trung, xã Yên Dương. |
Mặc dù không trong diện xây dựng NTM giai đoạn I nhưng thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Ý Yên, từ năm 2013, xã Yên Dương đã tiến hành rà soát thực trạng các lĩnh vực của địa phương theo tiêu chí NTM làm cơ sở lập đề án xây dựng NTM đến năm 2020. Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM năm 2013, cơ cấu kinh tế của xã vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 60%; sản xuất CN-TTCN và dịch vụ chỉ có 40%. Toàn xã còn 157 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,08% tổng số hộ; hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nhà ở dân cư và các tiêu chí thuộc nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất như: thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức… đều chưa đạt tiêu chuẩn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương xây dựng NTM theo phương châm kế thừa và phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện tốt từng tiêu chí NTM. Nhờ hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa từ năm 2012, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa, vùng trồng màu, vùng phát triển kinh tế trang trại… thuận lợi cho kêu gọi đầu tư lớn và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Tổ chức xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng các yêu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp để nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo các hộ sản xuất đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản. Ngoài trồng lúa, xã Yên Dương còn khuyến khích các hộ dân duy trì diện tích gần 200ha trồng lạc xuân và trên 23ha lạc hè thu; duy trì 150ha sản xuất vụ đông với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt xuất khẩu, khoai tây; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại để có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ… Bên cạnh đó, để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, xã còn chú trọng phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các nghề truyền thống như: mộc mỹ nghệ, thêu ren hoặc nhân cấy, phát triển những nghề mới giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương như may công nghiệp để tạo thêm thu nhập cho người dân… Xã tạo mọi thuận lợi để phát triển các hoạt động tín dụng, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tạo điều kiện cho thuê, mượn mặt bằng để xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh. Với sự tạo điều kiện của xã, đã có hàng trăm lượt hộ gia đình được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hằng năm trên 30 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có 150 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ với quy mô từ 3-7 lao động/cơ sở… Nghề mộc phát triển đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động địa phương với thu nhập của thợ chính thường đạt từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày, lao động thời vụ cũng đạt mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân được cải thiện, “dân giàu, xã mạnh”, Yên Dương có điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí NTM. Ngoài nguồn vốn ngân sách các cấp, xã đã huy động được các nguồn hợp pháp khác như: hiến đất, đóng góp bằng tiền mặt, ngày công, vật liệu… để xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và công trình phúc lợi nông thôn theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; xã chịu trách nhiệm các công trình điện, đường, trường, trạm; các thôn tự lo các công trình: nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn…; từng hộ gia đình có trách nhiệm cải tạo nhà cửa, vườn tược và giữ gìn vệ sinh môi trường gia đình, khu dân cư và địa phương. Qua hơn 3 năm quyết liệt triển khai chương trình xây dựng NTM theo đúng chủ trương, định hướng và lộ trình đã công khai, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và cộng đồng nhân dân, xã Yên Dương đã huy động được hàng chục tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình khác theo tiêu chí xây dựng NTM. Hệ thống đường trục xã, liên xã dài 4,15km đã được trải nhựa áp phan 100%, mặt đường rộng từ 5-7m với tổng kinh phí trên 16,6 tỷ đồng; hệ thống đường trục thôn xóm dài trên 16,2km đã được cứng hóa toàn bộ với mặt đường rộng 2,5-3m. Ngoài hệ thống đường dân sinh, hệ thống giao thông nội đồng cũng được các thôn, xóm tập trung cứng hóa với mặt đường rộng từ 3-5m, tổng chiều dài trên 71,5km, đạt 100%. Cùng với đó là trên 3,2km kênh mương cấp 3 do xã quản lý đã được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 92,9%. Đến năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã được nâng lên 31,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 75/2.565 hộ (bằng 2,92%). Sau hơn 3 năm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Yên Dương đã thực hiện và hoàn thành thêm 12 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có 10 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia; 2 tiêu chí đạt mức cơ bản của tỉnh. Ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM bền vững với mục tiêu: duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; tập trung toàn lực để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí mới cơ bản đạt là: cơ sở vật chất văn hóa và y tế; tiếp tục cải tạo, tu sửa hệ thống giao thông, thủy lợi theo hướng bền vững để phục vụ sản xuất tốt hơn. Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đó, xã Yên Dương chủ trương trích ngân sách xã (từ các nguồn thu về đất, chợ…) hỗ trợ theo đầu người của 5 thôn, trên 9.500 khẩu, mỗi khẩu 100 nghìn đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông - thủy lợi; đầu tư xây dựng trường tiểu học mới với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2016-2017. Đã quy hoạch vị trí xây dựng trạm y tế mới, bổ sung dự toán kinh phí và huy động mọi nguồn lực (ngân sách xã, vận động con em xa quê đóng góp) để khởi công xây dựng vào cuối năm 2016. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đã hỗ trợ 5 thôn (Trung, Cẩm, Dương, Khả Lang, Vũ Xuyên) gần 400 triệu đồng để trang bị cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Riêng công trình Nhà văn hóa Trung tâm xã do chưa có nguồn kinh phí nên tạm thời chưa khởi công. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình, Đảng ủy, UBND xã Yên Dương còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vững nếp sống văn hóa, tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa… theo các tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng các biện pháp: tận dụng lợi thế có vùng đồng màu rộng phát triển mô hình sản xuất rau an toàn; duy trì và phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN với các nghề: mộc dân dụng, thêu ren, may công nghiệp… Xã đã quy hoạch hơn 2,5ha đất công ở thôn Khả Lang để tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất CN-TTCN…
Với những biện pháp đồng bộ, hợp lý, xã Yên Dương phấn đấu hoàn thành sớm nhất các tiêu chí xây dựng NTM chưa đạt chuẩn quốc gia; củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Phấn đấu đến năm 2020, xã Yên Dương được UBND tỉnh công nhận là xã NTM bền vững./.
Bài và ảnh:
Thành Trung