Năm 2015, trên địa bàn huyện Trực Ninh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Cty Giầy da Amara với tổng số 99 người bị ngộ độc, trong đó 96 người phải nhập viện điều trị. Mặc dù tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện đã được kiểm soát nhưng vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ không đảm bảo ATTP. Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định điều kiện ATTP như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vi phạm quy định ATTP về nguyên liệu, chế biến, bảo quản, vận chuyển thức ăn… Nguyên nhân do nhu cầu tổ chức các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp trong các doanh nghiệp, trường học ngày càng tăng trong khi phần lớn các bếp ăn tập thể lại chấp nhận thực phẩm giá rẻ, nên khó đảm bảo an toàn. Trách nhiệm bảo đảm ATTP của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý KCN, khu chế xuất, chủ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống còn hạn chế; đặc biệt, chủ doanh nghiệp còn khoán công tác bảo đảm ATTP cho cơ sở cung cấp suất ăn cho công nhân, cho bộ phận hành chính… Hiệu quả quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể của cơ quan chức năng còn hạn chế, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên nên khi xảy ra sự cố ATTP mới phát hiện được các vi phạm…
|
Điều trị cho công nhân Cty Giầy da Amara bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ huyện xuống cơ sở được kiện toàn, đề ra các giải pháp tích cực để khắc phục. Trong các giải pháp thực hiện, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ huyện tới các xã, thị trấn luôn chú ý xây dựng các mô hình điểm như: mô hình điểm ATTP về thức ăn đường phố, mô hình điểm về ATTP lễ hội, đồng thời tăng cường các biện pháp truyền thông giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng ý thức chấp hành các quy định của pháp luật ở người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây qua đường ăn uống được các huyện, thành phố đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện xuống cơ sở, qua các buổi nói chuyện, tập huấn và treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích. Nội dung truyền thông hướng tới 4 nhóm đối tượng chính là người sản xuất, chế biến thực phẩm; người kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng; quản lý trường học, lãnh đạo doanh nghiệp. Trong năm 2015 và 7 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã tổ chức được 44 buổi nói chuyện chuyên đề; 8 buổi hội thảo; mở 1 lớp tập huấn kiến thức về quản lý VSATTP; 172 buổi phát thanh từ huyện xuống cơ sở; tổ chức chăng treo 92 băng rôn, khẩu hiệu, 98 tranh, áp phích với nội dung tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ huyện xuống cơ sở còn thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở thực phẩm vào các thời điểm: Trong Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và kiểm tra đột xuất theo nhu cầu phòng chống dịch. Toàn huyện có 637 loại hình cơ sở thực phẩm bao gồm: sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống đóng trên địa bàn. Trong 7 tháng đầu năm 2016, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ huyện đến các xã, thị trấn đã thành lập 46 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra tại gần 600 cơ sở, phát hiện 97 cơ sở vi phạm, 79 cơ sở bị cảnh cáo, 18 cơ sở bị phạt tiền. Riêng bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể doanh nghiệp, Ban chỉ đạo liên ngành các cấp trong huyện đã tổ chức 6 đợt kiểm tra ATTP cho 28 lượt bếp ăn tập thể doanh nghiệp và 252 lượt bếp ăn tập thể trường học, qua đó phát hiện 41 bếp ăn tập thể có vi phạm, xử lý và phạt tiền 3 bếp ăn tập thể, 38 cơ sở bị xử lý cảnh cáo. Các bếp ăn tập thể có vi phạm đều được ký cam kết khắc phục lỗi vi phạm và không tái phạm. Để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện đã giao Trung tâm Y tế huyện phân loại đối tượng để có biện pháp tác động phù hợp. Đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, Trung tâm hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức khảo sát thực trạng các điều kiện vệ sinh tại từng cơ sở, đôn đốc ký cam kết thực hiện các nội dung đảm bảo VSATTP giữa chủ cơ sở với UBND và trạm y tế các xã, thị trấn; hướng dẫn các trạm y tế tham mưu với UBND xã, thị trấn thẩm định và cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện VSATTP” cho các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 4 mô hình điểm về ATTP thức ăn đường phố, 1 mô hình điểm ATTP lễ hội. Trong tổng số 637 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện, có 50% số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận và ký cam kết đảm bảo ATTP. Đối với khối trường học, trên địa bàn huyện có 45 trường học có bếp ăn tập thể; 100% số trường có bếp ăn bán trú đã được quản lý. Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn có bếp ăn tập thể, hiện tại ngành chức năng đã quản lý được 7 bếp ăn tập thể, trong đó 4 bếp ăn tập thể đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Những biện pháp tích cực trên đã từng bước giúp các đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn hoạt động đúng quy định của pháp luật về ATTP./.
Minh Thuận