Nước ta có tiềm năng to lớn cả về tự nhiên và văn hóa dân tộc, hội đủ những điều kiện cần thiết để có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế lớn mạnh. Thực tế 30 năm đổi mới chứng kiến ngành du lịch có sự tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, từ năm 1990 tới nay, số lượng khách quốc tế tăng 30 lần, khách nội địa tăng 35 lần. Năm 2015, du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 6,6% GDP (theo tính toán của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, gộp cả gián tiếp và lan tỏa lên tới 13,9% GDP). Du lịch tăng trưởng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Đức Thiện |
Hiện nay, mỗi năm thế giới có hơn 1,2 tỷ khách quốc tế, du lịch đang trở thành ngành kinh tế lớn hàng đầu về thu nhập ngoại tệ, giá trị xuất khẩu và tạo việc làm. Dự báo sẽ có 1,8 tỷ khách quốc tế vào năm 2030, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ xác định du lịch là mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặc biệt đây là cơ hội đến với các nền kinh tế đang phát triển. Đông Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động và có sức hút tăng trưởng mạnh mẽ. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành và đang định dạng cấu trúc tăng trưởng mới. Mỗi nền kinh tế thành viên trong ASEAN không thể thờ ơ trước xu thế hội nhập và đang khai thác lợi thế quốc gia trở thành vũ khí chiến lược trong tăng trưởng, hội nhập và cạnh tranh.
So với các quốc gia trong khu vực, nước ta sở hữu nhiều ưu thế tuyệt đối và tương đối, là tiềm năng và triển vọng để phát triển mạnh du lịch. Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang quan tâm và luôn có những chỉ đạo, quyết sách sáng suốt, kịp thời, làm bàn đạp cho du lịch phát triển. Mặc dù vậy, những kết quả đạt được của ngành du lịch những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của đất nước và kỳ vọng của Đảng, nhân dân. Thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh và tính bền vững. Trước bối cảnh đó, vấn đề đặt ra đối với nước ta là phải làm gì để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong thời gian tới, cần có quyết sách mới có tính bứt phá căn bản về quan điểm và phương thức thực hiện tái cấu trúc ngành du lịch với sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị. Trong đó cần tập trung vào những giải pháp sau:
Trước hết, cần xây dựng thể chế hiện đại phù hợp với tính chất ngành kinh tế dịch vụ mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Luật Du lịch sửa đổi phải tạo ra được khuôn khổ pháp lý phù hợp để các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường phát huy tác dụng; năng lực, nguồn lực của hệ thống ngành du lịch phải tương xứng với một ngành kinh tế.
Thứ hai, đã là ngành kinh tế đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng vào hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và nhân lực. Đầu tư đồng bộ với vai trò định hướng của Nhà nước, trước hết vào hạ tầng sẽ dẫn dắt và thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ, dần hình thành những điểm đến du lịch có tầm cỡ, có đẳng cấp, có thương hiệu mà nhất thiết du khách phải đến. Cơ chế và động lực sinh lời thu hút nguồn lực đầu tư và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ là giải pháp then chốt để tạo năng lực sẵn sàng đủ mạnh trong cạnh tranh.
Thứ ba, quảng bá, xúc tiến du lịch là chìa khóa để khơi thông dòng khách. Chiến lược, nội dung, cách thức và nguồn lực sẽ quyết định hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch. Yêu cầu đặt ra cần có hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường mục tiêu rộng khắp thế giới với nguồn lực đủ mạnh dựa vào chiến lược lấy lợi ích của doanh nghiệp, điểm đến làm bàn đạp, động lực và sử dụng công nghệ cao trong xúc tiến quảng bá du lịch.
Thứ tư, tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng, tạo thuận lợi khuyến khích du lịch là bài toán điều phối các nhóm hưởng lợi hướng tới động lực gia tăng lợi ích từ du lịch. Thuận tiện về thủ tục xuất nhập cảnh (e-visa), kết nối hàng không, bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường, liên kết địa phương, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị... sẽ phát huy hiệu quả chỉ khi lợi ích từ du lịch được điều phối đến đúng đối tượng hưởng lợi.
Thứ năm, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng là giải pháp lâu dài, thường xuyên nhằm tạo dựng môi trường điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng, hướng tới sự hài lòng của du khách. Quản lý kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, lựa chọn thị trường, kiểm soát chất lượng, quản lý giá, quản lý điểm đến an ninh, an toàn, vệ sinh, văn minh, hiếu khách là nội dung nhiệm vụ thường xuyên của các ngành, các cấp.
Với những quyết sách đổi mới căn bản nêu trên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta sẽ sớm thành hiện thực./.
TS HÀ VĂN SIÊU
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch