Thành phố Nam Định quan tâm đào tạo nghề cho người lao động

08:08, 08/08/2016

Những năm qua, Thành phố Nam Định đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho người lao động với nhiều chương trình, biện pháp hiệu quả. Theo đó, hàng nghìn lao động được hỗ trợ học nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lớp đào tạo nghề may tại Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định.
Lớp đào tạo nghề may tại Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm
Thành phố Nam Định.

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Nam Định đều xây dựng và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng với Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của các xã, phường, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề cho LĐNT và lao động nữ thành thị. Để thu hút người lao động tham gia học nghề, thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp tổ dân phố, thôn, xóm, nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề, có nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và thu nhập; đồng thời tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động. Hằng năm, thành phố đều tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của LĐNT và lao động nữ thành thị tại 25 xã, phường; khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn. Hiện nay, thành phố có trên 5.834 LĐNT và lao động nữ thành thị có nhu cầu học nghề, trong đó nhóm ngành nông nghiệp 1.568 người, nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp 257 người, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng - tin học 2.756 người, nhóm nghề dịch vụ - chế biến 1.253 người. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng trên 10 nghìn lao động, chủ yếu là lao động có tay nghề. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như nhu cầu học nghề của người lao động, thành phố mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, lao động hộ nghèo, lao động nữ thành thị theo Quyết định 1956, trong 2 năm (2014-2015), Thành phố Nam Định đã mở 22 lớp đào tạo nghề cho 685 lao động, với các nghề: may công nghiệp (13 lớp, 385 học viên); chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng (4 lớp, 135 học viên); chăn nuôi lợn nái, lợn thịt (3 lớp, 100 học viên) và chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh (2 lớp, 70 học viên), với tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động (học phí, sinh hoạt) là 1 tỷ 686 triệu đồng. Năm 2016, thành phố có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho 400 LĐNT, lao động nữ thành thị theo Quyết định 1956; đến nay đã mở 2 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 70 học viên. Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 1956 và các chương trình đào tạo nghề cho người lao động của tỉnh, Thành phố Nam Định đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công Đề án Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy; hỗ trợ 3 nhóm đối tượng gặp khó khăn trong việc học nghề, tìm việc làm và chưa thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề. Trong năm 2015, thành phố đã mở 4 lớp đào tạo các nghề: may công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, cho 110 lao động, với tổng kinh phí hỗ trợ học nghề, tiền ăn là 250 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công, năm 2016, Thành phố Nam Định có kế hoạch mở 4 lớp, hỗ trợ đào tạo nghề cho 110 lao động. Các lớp dạy nghề do Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định thực hiện, được mở ngay tại cơ sở; kế hoạch, chương trình đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định của Bộ LĐ-TB và XH, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành. Các học viên sau khi học nghề đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản, đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động. Phần lớn các học viên sau đào tạo đều được giới thiệu, bố trí việc làm nên tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm chiếm trên 70%, còn lại một số người đầu tư phát triển kinh tế hộ, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cùng với công tác đào tạo nghề cho người lao động, thành phố đã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Từ năm 2014 đến nay đã có 4.055 lượt hộ được vay vốn từ các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và các kênh khác, với tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có nhu cầu sử dụng lao động đăng ký với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định hoặc tham gia Sàn Giao dịch việc làm tỉnh để xúc tiến kết nối cung - cầu lao động. Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, hằng năm thành phố giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động. 6 tháng đầu năm 2016 có thêm khoảng 2.000 lao động có việc làm.

Với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của Thành phố Nam Định đã chuyển biến tích cực, giúp nhiều người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở thành phố còn gặp một số khó khăn do nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như cơ hội tìm việc làm nên số người đăng ký học nghề thấp và có xu hướng giảm. Do tác động của cơ chế thị trường về việc làm và thu nhập nên nhiều lao động thường xuyên tự ý thay đổi công việc, nơi làm việc, gây khó khăn cho người sử dụng lao động và công tác quản lý lao động sau học nghề. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề còn thiếu chặt chẽ. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường; phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com