Hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm: 1 bệnh viện, 18 phòng khám đa khoa, hơn 90 phòng khám chuyên khoa, 406 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Thời gian qua, các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào hoạt động y tế địa phương như: KCB, y tế dự phòng, góp phần giảm tải cho các cơ sở KCB công lập.
Trong quá trình hoạt động, các cơ sở KCB tư nhân đều cơ bản thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong công tác KCB. Đa số các cơ sở KCB đã tham dự các lớp tập huấn về chuyên môn, được cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về KCB; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoàn thiện sổ sách theo dõi trong quá trình hành nghề. Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền đều đăng ký hành nghề và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Đặc biệt ở các huyện, thành phố đều có tổ chức Hội Y dược học cổ truyền hoạt động; 165/229 xã, phường, thị trấn có chi Hội Y dược học cổ truyền với 344 phòng chẩn trị của hội viên, tích cực tham gia KCB cho nhân dân. Các phòng khám y học hiện đại đều bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn như bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn. Một số bệnh viện, phòng khám đa khoa như Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Phòng khám Đa khoa Sông Hồng, Phòng khám Đa khoa 108, Phòng khám Đa khoa Việt - Mỹ (TP Nam Định)… đã đầu tư trang thiết bị máy móc cận lâm sàng hiện đại phục vụ công tác khám, chẩn đoán bệnh như máy chụp X.quang, máy siêu âm các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, kính hiển vi…
Khám bệnh cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Sông Hồng (TP Nam Định). |
Nhìn chung, hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào hoạt động y tế địa phương, góp phần giảm tải đối với các tuyến KCB trên địa bàn tỉnh; cung cấp thuốc thiết yếu và thuốc đặc trị bệnh chất lượng cho nhân dân. Tiêu biểu như Phòng khám Đa khoa Việt - Mỹ, Phòng khám Đa khoa Sông Hồng, Phòng khám Đa khoa 108… đã thu hút được nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm gồm các giáo sư, bác sĩ nghỉ chế độ BHXH tại các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương tham gia KCB; bố trí bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá cả dịch vụ KCB tại nơi người bệnh dễ nhìn thấy; nhân viên y tế phong cách lịch sự, thái độ phục vụ ân cần, niềm nở… đã giúp người dân được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều phòng khám tư nhân đã ứng dụng được các kỹ thuật cao trong điều trị, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho nhân dân. Để các cơ sở y tế tư nhân hoạt động KCB theo đúng các quy định của pháp luật, hằng năm, Sở Y tế đã triển khai thẩm định các cơ sở KCB, cấp giấy phép hành nghề; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân. Trong 2 năm 2014-2015, Sở Y tế đã tổ chức thanh, kiểm tra 198 cơ sở hành nghề y ngoài công lập tại 10 huyện, thành phố; phát hiện 25 cơ sở vi phạm, trong số đó 9 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 16 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền trên 58 triệu đồng. Quá trình thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy một số cơ sở khám bệnh lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, X.quang…) nhằm thu lợi nhuận cao. Một số cơ sở chưa đầy đủ hồ sơ hoặc hồ sơ chưa đúng quy định, không có danh sách trích ngang nhân viên được phân công công việc phù hợp bằng cấp chuyên môn. Nhiều cơ sở nội dung biển hiệu chưa đúng quy định; không niêm yết giờ làm việc, không ghi tên người phụ trách chuyên môn. Trong thực hiện quy chế chuyên môn, có cơ sở hộp cấp cứu chống sốc chưa đảm bảo đúng quy định như thiếu danh mục, thiếu cơ số thuốc, bơm tiêm, hoặc thừa cơ số thuốc, hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn hành nghề được quy định trong giấy phép hoạt động. Nhiều phòng khám chưa thực hiện đúng quy định về phân loại rác thải. Một số cơ sở y học cổ truyền công tác vô khuẩn khi châm cứu còn yếu. Một số phòng khám chưa có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn của y tế tuyến trên. Bên cạnh đó, một số cơ sở không có giấy phép hoạt động hoặc giấy phép đã hết hạn; một số cơ sở người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện ủy quyền theo quy định; người có tay nghề thấp nhưng làm quá mức phạm vi cho phép (tiêm truyền, châm cứu…); có nghề dược làm luôn cả nghề y, hoặc có bằng cấp về y nhưng không có chứng chỉ hành nghề; bán thuốc cho người bệnh tại phòng khám bệnh; không công khai thời gian làm việc; quảng cáo quá phạm vi hành nghề; không có niêm yết giá dịch vụ…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở Y tế, các phòng chức năng của Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế các huyện, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn. Cùng với việc tạo điều kiện thẩm định, làm thủ tục hồ sơ đối với cơ sở để mở rộng hệ thống y tư nhân, Sở Y tế cần chú trọng phát triển các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở KCB thực sự chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của hệ thống y tư nhân; có sự kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý hành nghề y tư nhân, cụ thể là giữa Phòng Y tế tuyến huyện, thành phố với các phòng chức năng của Sở Y tế trong việc khảo sát, thẩm định điều kiện hành nghề, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề…
Bài và ảnh: Minh Thuận