Hiện nay, bên cạnh việc dạy văn hóa, các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật cho học sinh được triển khai tại tất cả các trường học trong tỉnh. Đây là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ.
|
Học sinh Trường Trung cấp Y tế Nam Định trong một buổi thực hành. |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đến các nhà trường, tạo thành phong trào sâu rộng. Ở hầu hết các nhà trường, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học. Khi học môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, học sinh được giáo dục sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Việc giáo dục đạo đức, lối sống còn thông qua các cuộc thi văn nghệ gắn với giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Ngành GD và ĐT phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết để các em có bản lĩnh chính trị vững vàng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các tổ chức Đoàn, Đội trong các nhà trường cũng thường xuyên hướng các em đọc những câu chuyện ngụ ngôn, đạo đức, những tác phẩm văn học mang tính nhân văn, rèn luyện khả năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, giải quyết hợp lý các mâu thuẫn trong cuộc sống... đồng thời tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để các em suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Học sinh sẽ được học các giá trị cơ bản trước và học các kỹ năng dựa trên các giá trị này, nhằm hình thành cách tư duy linh hoạt, phong thái tự tin khi hòa nhập cộng đồng. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng tùy theo hoàn cảnh thực tế từng địa phương để triển khai có hiệu quả. Với học sinh thành phố thì tập trung vào các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực, khả năng ứng xử thân thiện, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng hoạt động xã hội… Với học sinh nông thôn, các thầy cô đã giúp các em vượt qua cảm giác ngại ngùng, tự tin nói lên ý kiến của mình, rèn luyện để các em phát huy khả năng ứng phó của mình với cuộc sống, sống có đạo đức, có lối sống phù hợp, phòng tránh tệ nạn xã hội, bạo lực học đường. Bên cạnh đó, các trường luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua các buổi sinh hoạt, các tiết chào cờ đầu giờ; xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở phù hợp với tình hình của địa phương, củng cố và xây dựng tủ sách pháp luật tại thư viện nhà trường. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ... để nâng cao tính tự giác của học sinh khi tham gia giao thông, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc phổ biến luật, các trường còn vận động học sinh xây dựng “Văn hoá giao thông”, học tập các nội dung về phòng, chống tội phạm, AIDS, ma tuý, mại dâm và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường; quản lý, giáo dục học sinh hư, chậm tiến, vi phạm pháp luật để các em dần thay đổi nhận thức và hành vi. Việc cung cấp thêm thông tin về pháp luật giúp học sinh có cách cư xử đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật cho phép. Để các kiến thức pháp luật trở nên sinh động và gần gũi với học sinh, nhiều cuộc thi được tổ chức như: “Chúng em tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ”, thi vẽ tranh “Chúng em với an toàn giao thông”, phát động cuộc thi “Giao thông thông minh” đối với học sinh tiểu học và THCS… Nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng tự học và nghiên cứu, các trường trung học đã tổ chức cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn”. Ngoài ra, các trường trung học cũng tổ chức cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” dành cho giáo viên để khuyến khích các thầy cô sáng tạo, dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn. Với sự phối hợp hiệu quả giữa ngành GD và ĐT và Đoàn Thanh niên, đến nay, tổ chức Đoàn các cấp, trong đó có tổ chức Đoàn trong các nhà trường đã xây dựng, duy trì hoạt động được 735 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên; 785 đội thanh niên xung kích, 542 đội thanh niên tự quản, thiếu niên sao đỏ; tổ chức cho 100% đoàn viên, thanh niên khối trường học ký các cam kết không vi phạm pháp luật, không sử dụng ma túy, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; phòng chống ma túy, bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác… Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên, tổ chức Đoàn, lực lượng Công an và ngành GD và ĐT còn kết hợp kịp thời trong công tác nắm tình hình học sinh, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên; cung cấp, trao đổi thông tin về các trường hợp học sinh cá biệt có biểu hiện vi phạm pháp luật để phối hợp quản lý, giáo dục. Với nhiều biện pháp giáo dục đồng bộ, ý thức tuân thủ pháp luật của học sinh đã được tăng lên, các vụ việc nổi cộm về tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực trong nhà trường, năm học mới 2016-2017 ngành GD và ĐT sẽ triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” đến các cơ sở giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị tăng cường phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác quản lý học sinh. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc nâng cao đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực trong nhà trường; phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy trong học sinh, kiên quyết không để ma túy xâm nhập vào trường học. Tổ chức ký cam kết với học sinh không tham gia tội phạm, tệ nạn xã hội và chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp tục phối hợp với công an các cấp giữ gìn an ninh, trật tự trong, ngoài nhà trường, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, ngăn chặn bạo lực học đường./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh