Chúng tôi gặp anh Vũ Thanh Bình ở xã Hải Thanh (Hải Hậu), Ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin tỉnh lần đầu tiên vào năm 2014 trong lần anh cùng các “mạnh thường quân” đi trao quà ủng hộ các nạn nhân, con nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện Hải Hậu. Tại đây, anh đã cùng nhiều nhà thiện tâm khác trao 10 xe lăn, các suất học bổng trợ giúp những số phận không may mắn nhằm động viên, tiếp thêm nghị lực cho họ vươn lên trong cuộc sống. Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động thiện nguyện mà anh Bình đều đặn dành tặng những nạn nhân da cam, mảnh đời bất hạnh suốt những năm qua.
Năm 2009, trong một lần tình cờ tham gia cùng MTTQ xã Hải Thanh đi thăm, tặng quà cho những nạn nhân CĐDC của xã, được chứng kiến hoàn cảnh của các gia đình quá khó khăn, bất hạnh, anh Bình đã không thể “cầm lòng”. “Sinh ra trong thời bình nhưng khi được gặp họ, chúng tôi cảm nhận được những mất mát, đau thương cũng như những di chứng nặng nề mà chiến tranh vẫn còn để lại trên đất nước ta. Tôi tự cảm thấy những người lành lặn như mình phải làm việc gì đó để góp phần vơi bớt nỗi đau”, anh Bình chia sẻ. Bởi thế, ngay trong lần đầu tiên đi thiện nguyện ấy, anh đã đóng góp 30 triệu đồng cùng các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ các nạn nhân bị CĐDC của xã Hải Thanh. Sau chuyến đi này, anh Bình đã trực tiếp đề xuất với Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh, “có hoàn cảnh nào khó khăn cần giúp đỡ, xin hãy gọi điện cho tôi”. Cũng từ đó, những chuyến đi đến với các gia đình của các nạn nhân CĐDC, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân da cam của anh Bình trở nên thường xuyên hơn, vượt ra khỏi phạm vi xã, huyện để đến với những hoàn cảnh bất hạnh trong phạm vi toàn tỉnh. “Những ngày đầu năm 2016 đối với tôi cũng có một kỷ niệm rất khó quên. Khi đó là mới Tết ra, tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xóm 2, xã Hải Thanh. Lăn lộn nhiều chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bình trở về với cơ thể không còn nguyên vẹn. Một phần máu xương của ông vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Những ngày trái gió trở trời, cơ thể ông lại đau nhức. Đau đớn hơn, di chứng chiến tranh còn để lại trên cả một người con của ông, khiến con ông bị câm điếc. Vốn ốm yếu, không làm được việc nặng cộng thêm con cái ốm đau quanh năm nên hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Bình đã khó khăn càng khó khăn hơn. Ngồi trong căn nhà tềnh toàng không một đồ đạc đáng giá của gia đình ông, nói chuyện với ông trong khi con ông liên tục quờ quạng tay ra hiệu, tôi không cầm được nước mắt”, anh Bình xúc động. Để hỗ trợ gia đình ông, anh Vũ Thanh Bình đã ủng hộ gia đình ông 10 triệu đồng. Nhận món quà giá trị từ anh, ông Bình xúc động chia sẻ: “Gia cảnh gia đình tôi nhiều năm nay quá túng bấn. Bao nhiêu tiền của làm ra đều đổ vào thuốc thang cho tôi và các con. Mỗi ngày, chứng kiến con tôi không nói không cười, đi lại khó khăn, không ít lần tôi khóc cạn nước mắt. Được các tổ chức, đoàn thể, cá nhân như anh Bình thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên, tôi cảm nhận được những tình cảm ấm áp, vơi bớt buồn đau, có thêm niềm tin, động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
|
Anh Vũ Thanh Bình (đứng giữa) ở xã Hải Thanh (Hải Hậu) trao tặng quà cho các nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện. |
Lặng thầm với công tác thiện nguyện, đặc biệt là giúp đỡ những nạn nhân nhiễm CĐDC, từ năm 2009 trở lại đây, năm nào anh Bình cũng có những chương trình từ thiện riêng, khi thực hiện với vai trò cá nhân, khi chung sức cùng các tổ chức, đoàn thể, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh tìm đến tận các gia đình bị nhiễm, phơi nhiễm da cam để cùng nhau xoa dịu bớt nỗi đau da cam. “Mỗi năm, tính ra tôi cũng cố gắng vận động các nhà hảo tâm, dành dụm tiết kiệm để ủng hộ được trên 100 triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện nói chung. Hy vọng rằng với số tiền đó sẽ tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho rất nhiều những số phận không may mắn”, anh Bình cho biết. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Vì nạn nhân CĐDC” hằng năm, vào ngày 10-8, anh Bình đều ủng hộ hàng trăm triệu đồng để trao quà, xe lăn, học bổng… tặng các nạn nhân, con em nạn nhân da cam. Để có nguồn kinh phí thường xuyên ủng hộ cho các nạn nhân, anh Bình không trông chờ vào sự viện trợ của Hội cấp trên, anh đã chủ động vận động kêu gọi từ nhiều nguồn, trước hết từ những người thân thiết, bạn bè, anh em, các tổ chức xã hội… Anh không ngại ngồi hàng giờ kể chi tiết, tỉ mỉ về những hoàn cảnh khó khăn anh đã gặp và đề nghị mọi người cùng chung tay giúp đỡ, từ đó huy động sự tham gia của nhiều nhà hảo tâm trong công tác chăm sóc nạn nhân nhiễm CĐDC. Quyên góp được đến đâu, anh lại dùng vào việc chăm sóc, thăm hỏi nạn nhân, hỗ trợ vốn cho nạn nhân vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng. Với anh, mỗi một người được giúp đỡ là một niềm vui, là động lực giúp anh tiếp tục làm công việc mà nhiều người hay nói đùa “vác tù và hàng tổng” đầy ý nghĩa này. Những lúc công việc riêng đỡ bận rộn, anh Bình không ngại rong ruổi nhiều nơi, tự mình tìm đến những hoàn cảnh còn khó khăn, khảo sát cuộc sống của họ để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Có những trường hợp anh tặng quà, tặng học bổng, tặng phương tiện đi lại, có những trường hợp anh giúp đỡ về mặt công việc như giới thiệu các địa chỉ việc làm phù hợp với những người còn sức khỏe. Với những việc làm tích cực trong công tác thiện nguyện giúp đỡ nạn nhân CĐDC, anh Vũ Thanh Bình đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, Giấy khen của Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh…
Ở tuổi đời còn khá trẻ, chiến tranh đối với anh Bình chỉ qua những lời kể của các thế hệ cha anh đi trước. Nhưng qua thực tế những chuyến thiện nguyện, được tiếp xúc với những “nhân chứng sống” của di chứng chiến tranh, anh Bình thấu hiểu sâu sắc hơn sự khắc nghiệt của chiến tranh, từ đó tiếp thêm động lực cho công việc từ thiện mà anh theo đuổi. Anh Vũ Thanh Bình đã làm được những việc mà nhiều người khác chưa hoặc khó làm được với một mong muốn tha thiết góp phần nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau da cam. Đó cũng là một cách để tri ân những con người không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân để cho những người trẻ như anh được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh