Thời gian qua một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự ATGT là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém… Nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT, tăng tính răn đe của chế tài xử phạt đối với những hành vi gây mất trật tự ATGT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-8-2016 thay thế các Nghị định số 171/2013 và Nghị định số 107/2014 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
|
Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Nam Định xử lý người vi phạm trật tự giao thông. |
Nghị định 46, có nhiều điểm mới về lỗi vi phạm và mức xử phạt tăng khá cao. Để người dân nắm chắc thông tin, từ đó nghiêm túc thực hiện đúng pháp luật về trật tự ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định 46 và kế hoạch kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Cụ thể, theo Nghị định 46, sẽ có 105 nhóm hành vi được mô tả làm rõ, bổ sung so với các quy định cũ. Ngoài ra, có 115 nhóm hành vi tăng chế tài xử phạt, bao gồm tăng mức phạt tiền và tăng hình phạt bổ sung, bổ sung một số hành vi mà các nghị định cũ không quy định. Trong đó, quy định mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ tăng gần gấp đôi hoặc hơn mức phạt cũ. Cụ thể, về lỗi vi phạm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt đến 2 triệu đồng. Trước đó, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300-400 nghìn đồng. Nếu vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe (GPLX) tối đa 6 tháng. Đối với người đi mô tô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng từ tối đa 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tước GPLX đến 5 tháng (mức cũ 2 tháng). Đặc biệt, Nghị định mới quy định người điều khiển xe mô tô chạy vượt quá tốc độ quy định trên 20km, có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng. Đối với ô tô, mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng, tương đương mức phạt cũ nhưng người vi phạm bị tước GPLX đến 5 tháng. Ngoài ra, nhiều hành vi và nhóm hành vi mới được đưa vào chế tài xử phạt như ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ sẽ xử phạt đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức vi phạm… Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Nghị định 46, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ về các quy định mới, đặc biệt là những điểm bổ sung, sửa đổi. Đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, giải thích trực tiếp giúp người dân nắm rõ những thay đổi của Luật Giao thông đường bộ. Từ ngày 1-8, các lực lượng chức năng đã bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện bắt đầu xử lý vi phạm theo quy định mới; chú trọng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong nội thành Thành phố Nam Định và các tuyến giao thông trọng điểm, những ngày đầu chú trọng nhắc nhở và phổ biến quy định. Qua thực tế những ngày đầu ra quân cho thấy vẫn còn nhiều người tham gia giao thông, nhất là người dân vùng nông thôn còn khá lúng túng với các quy định mới. Nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khoăn với quy định tăng mức xử phạt và ban hành nhiều lỗi vi phạm mới áp dụng từ ngày 1-8, đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vượt đèn vàng tương đương với vượt đèn đỏ là chưa hợp lý, là lỗi vi phạm mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải khi tham gia giao thông…
Theo đồng chí Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt: mức xử phạt theo Nghị định 46 cơ bản được giữ nguyên so với Nghị định 171 và 107, chỉ rà soát và điều chỉnh tăng chế tài xử lý đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Việc quy định cụ thể, chi tiết hơn để có thể xử lý hiệu quả các hành vi cố tình vi phạm, nâng cao hiệu quả răn đe đối với các hành vi đe dọa ATGT, góp phần kiềm chế, giảm TNGT trên các tuyến đường. Riêng hành vi vượt đèn vàng, nếu cố tình vượt thật nhanh khi đèn vàng đã bật và xe chưa đi qua phần đường bắt buộc dừng thì được xác định là cố ý vi phạm và bị xử phạt; không xử phạt đối với những trường hợp đã đi qua vạch dừng rồi đèn vàng mới bật vì lúc này người tham gia giao thông đang ở vị trí ưu tiên và vẫn tiếp tục được di chuyển. Việc áp dụng mức phạt vượt đèn vàng nhẹ hơn vượt đèn đỏ, thậm chí được bỏ qua như trước đây đã dẫn đến tình trạng nhiều người “cướp đèn” cố tình tăng tốc để không bị dừng lại chờ đèn đỏ, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông ở chiều cắt ngang. Vì vậy việc tăng mức phạt đối với vi phạm vượt đèn vàng cũng như các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT nhằm tác động, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Để việc thực thi các quy định của Nghị định 46 đạt hiệu quả cao, ngành Công an đã nghiêm cấm các cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tuần tra, kiểm soát không lập biên bản hoặc chuyển lỗi, bỏ qua vi phạm nhằm mục đích ngăn ngừa sai phạm của các cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, song song với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kết hợp tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức được lỗi và chấp hành, không phạt một cách cứng nhắc, máy móc. Lực lượng chức năng cũng đề nghị người dân đồng thuận, chủ động tìm hiểu, nắm vững các quy định, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cho những người cùng tham gia giao thông./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy