Trước đây, cũng như nhiều gia đình hội viên trong xóm, gia đình chị Phạm Thị Nhị ở xóm Thanh Minh, xã Giao Thanh (Giao Thủy) thu nhập chủ yếu từ mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, được sự quan tâm của Hội Phụ nữ xã Giao Thanh tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, chị đã đầu tư mua máy xay xát, kinh doanh lương thực, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình. Năm 2014, chị đăng ký tham gia lớp học chăn nuôi do Hội LHPN tỉnh tổ chức, nhờ đó đã có thêm kiến thức, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với diện tích 80m
2. Tận dụng nguồn cám từ máy xay xát, mỗi lứa gia đình chị nuôi từ 40 đến 50 con. Trong một năm, gia đình chị xuất chuồng 3 lứa với tổng sản lượng từ 10-12 tấn lợn thịt cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Từ mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi kết hợp với nguồn thu từ máy xay xát, kinh doanh lương thực, gia đình chị có thu nhập hằng năm từ 140-150 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình giờ đây không chỉ no đủ mà còn có điều kiện giúp cho 10 chị em trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi với số tiền 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, điển hình như các chị Bùi Thị Ly, Trần Thị Nhài, Phan Thị Hợp…
|
Lao động nữ tại Cty Pro - Sports Giao Thuỷ. |
Những năm qua, Hội LHPN huyện Giao Thủy đã đổi mới nội dung, có nhiều hoạt động thu hút, tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức hội; trong đó chú trọng hỗ trợ hội viên vượt khó, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Với tỷ lệ lao động nữ chiếm 50,67% lao động của toàn huyện, trên lĩnh vực kinh tế, chị em đã tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa trên “cánh đồng 3 cùng”, tích cực trồng các loại cây vụ đông có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, mô hình trang trại, gia trại, tạo ra giá trị thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như chị Trần Thị Dung, Chi hội Thị Tứ, xã Giao Xuân nuôi trồng thủy sản, thu nhập 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động nữ; chị Trần Thị My, Chi hội 1, xã Giao Lạc chăn nuôi và kinh doanh vật tư nông nghiệp thu nhập 200 triệu đồng/năm. Nhiều phụ nữ với sự năng động, sáng tạo đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh, có những sản phẩm được tiêu thụ ra nước ngoài. Đồng thời, các chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nữ nông thôn lúc nông nhàn thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/ tháng. Điển hình là các chị: Lại Thị Tâm, giám đốc Cty May Thanh Tâm; Nguyễn Thị Lan, giám đốc doanh nghiệp Tám Lan; Doãn Thị Phượng, chủ cơ sở thêu màu xuất khẩu; Phạm Thị Thắm, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến. Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp Hội tiến hành khảo sát, phân loại hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có kế hoạch giúp đỡ. Mỗi chi hội nhận giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bằng nhiều hình thức như cho vay vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động. Trong 5 năm qua đã có 1.877 chị giúp cho 741 phụ nữ nghèo về vốn, vật tư nông nghiệp với tổng số tiền 8,7 tỷ đồng và đã có 265 chị thoát nghèo. Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ cũng được các cấp Hội quan tâm. Trong 5 năm qua đã tổ chức 67 lớp dạy nghề và truyền nghề về thêu ren, may công nghiệp, đan móc sợi, tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao động nữ, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Thực hiện phong trào thi đua làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tiết kiệm 10 nghìn đồng trở lên/hội viên/tháng và tham gia nhóm phụ nữ tiết kiệm tại chi hội. Đến nay 22/22 xã, thị trấn đã thành lập được 425 nhóm phụ nữ tiết kiệm tại chi hội với số tiền tiết kiệm trên 16 tỷ đồng cho 3.316 hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất thấp. Hằng năm, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện chỉ đạo các cấp Hội quản lý và phát huy hiệu quả các nguồn vốn. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với số vốn trên 102 tỷ đồng tạo điều kiện cho 5.292 hộ vay. Các cấp Hội còn phối hợp với Hội Nông dân, Cty Bảo vệ thực vật Trung ương I, các ngành chức năng tổ chức 86 lớp cho 10.850 cán bộ, hội viên, phụ nữ về chuyển giao KHKT, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, lúa và hoa màu.
Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các phong trào thi đua do Hội phát động đã tạo nguồn lực cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ các hoạt động thiết thực trên đã góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo tại địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng lên. Đến nay toàn huyện có 46.023/56.445 hộ gia đình đạt “gia đình văn hóa”, chiếm 81,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92% theo tiêu chí đa chiều./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng