Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp luôn được các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả. Nhiều hình thức HTPL đã được thực hiện, giúp doanh nghiệp tiếp cận các quy định của pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả tích cực cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.
|
Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phát triển ổn định. (Trong ảnh: Sản xuất ở Cty cổ phần Dệt may Sơn Nam). |
Để nâng cao hiệu quả công tác HTPL cho doanh nghiệp, UBND tỉnh triển khai hệ thống hóa và xây dựng Bộ thủ tục hành chính cấp huyện, xã; phát hành sổ tay nghiệp vụ cho các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu kiện toàn hệ thống đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã. Trong đó bao gồm 42 cán bộ đầu mối cấp tỉnh, 20 cán bộ đầu mối cấp huyện và 229 cán bộ đầu mối cấp xã. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho các cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thực hiện rà soát 190 thủ tục hành chính, trong đó có 140 thủ tục hành chính giữ nguyên; 50 thủ tục hành chính kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung và đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục, nhóm thủ tục theo 3 lĩnh vực: Tư pháp, TN và MT, y tế. Kết quả đến nay các thủ tục hành chính đều được rút gọn, đặc biệt trong các lĩnh vực: KH và ĐT, TN và MT, xây dựng… giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện. Tất cả các thủ tục sau khi công bố đều được công khai tại nơi thực hiện và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ngành và được nhập kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, tọa đàm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đã chủ động nắm bắt nhu cầu HTPL của doanh nghiệp để tổ chức biên soạn tài liệu pháp luật; hướng dẫn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trang bị sách pháp luật theo quy định và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Duy trì thường xuyên việc tiếp nhận, xử lý, thực hiện giải đáp pháp lý theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện bài bản theo cách thu thập nội dung yêu cầu; biên soạn câu trả lời hoặc phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp và trả kết quả kịp thời, đúng quy định của pháp luật thông qua nhiều hình thức như: Giải đáp bằng văn bản, thông qua trang thông tin điện tử, bản tin hoạt động của ngành; giải đáp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp… Với cách làm này, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt trong thời gian qua, triển khai nhiệm vụ thực hiện Chương trình 585, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các hội nghề nghiệp, các tổ chức đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Ban quản lý các KCN tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh…) tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, các buổi tọa đàm với các chuyên đề “Pháp luật về hợp đồng”, “Kỹ năng đàm phán, giao kết, thực hiện hợp đồng: quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về pháp luật hợp đồng tại Nam Định”, “Pháp luật về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ thị trường và hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp”, “Pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp”; “Một số điểm mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến doanh nghiệp và pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh”… cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham gia lớp bồi dưỡng, các doanh nghiệp trực tiếp được các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực trực tiếp truyền đạt, trao đổi, thảo luận, giải đáp từng vấn đề của doanh nghiệp còn băn khoăn… Qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực nhận thức pháp luật của doanh nghiệp cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp về các vấn đề HTPL cho doanh nghiệp hội viên. Cũng tại diễn đàn này, nhiều vấn đề vướng mắc về pháp luật doanh nghiệp trong quá trình thực thi được các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, bổ sung, giúp cơ quan Nhà nước có cơ sở hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 57 lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho gần 10 nghìn lượt người sử dụng lao động, người lao động; cấp phát 50 nghìn tài liệu pháp luật tới các doanh nghiệp và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận và giải đáp pháp luật hơn 1.000 tình huống pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực pháp luật về xây dựng, đất đai, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, lao động, bảo hiểm, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tìm hiểu pháp luật, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Tư pháp làm tốt việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật để khắc phục tình trạng mâu thuẫn chồng chéo của pháp luật hiện hành có liên quan đến doanh nghiệp cũng như việc lấy ý kiến của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động, các cơ quan chủ trì soạn thảo thông qua các hình thức gửi công văn, lấy ý kiến, mời họp thảo luận, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Với những giải pháp tích cực trong hoạt động HTPL cho doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong 7 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 373 doanh nghiệp thành lập mới và 51 chi nhánh, văn phòng đại diện. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 24.518 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ. Tổng giá trị hàng xuất khẩu ước hơn 535,5 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 391 triệu USD. Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động HTPL cho doanh nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của chính quyền, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp về ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc thực hiện chính sách HTPL cho doanh nghiệp. Khuyến khích và có các cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp tiếp cận pháp luật một cách tự nguyện, chủ động và tích cực. Đồng thời đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện chính sách HTPL cho doanh nghiệp như: Bố trí cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc HTPL cho doanh nghiệp; tăng cường các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng, nghiệp vụ đối với cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý tại các sở, ban, ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; tạo cơ chế phối hợp liên ngành với các cơ quan tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc HTPL cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh quan tâm bố trí, đảm bảo nguồn kinh phí riêng phục vụ cho hoạt động HTPL cho doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng