Những năm qua, cùng với các hoạt động như hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, các cấp HND còn đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, mang nghề mới về cho hội viên.
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) đã bế giảng lớp dạy nghề “Nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch” theo hệ đào tạo sơ cấp nghề ngắn hạn cho 33 học viên là hội viên nông dân của HND xã Yên Khánh (Ý Yên). Sau 3 tháng học nghề, các học viên đã nắm bắt được các kiến thức về kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi thuỷ sản; kỹ thuật nuôi các loại thuỷ sản truyền thống như: cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép…, kỹ thuật nuôi các đối tượng đặc sản nước ngọt như: cá lóc, cá ngạnh, cá lăng, cá trắm đen, ba ba, ếch, cua đồng… Ngoài ra, giảng viên của Trung tâm còn truyền đạt những kiến thức về kỹ thuật phòng, chẩn đoán và trị một số bệnh thuỷ sản nước ngọt; kỹ thuật nhận biết các loại thuốc, hoá chất, thức ăn thật, giả và cách sử dụng; phương án lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong nuôi trồng thuỷ sản… cho các học viên. Kết thúc khoá học, 100% học viên đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, trong đó có 6 học viên đạt loại giỏi (chiếm 18%), 18 học viên đạt loại khá (chiếm 54,5%), 9 học viên đạt loại trung bình. Hiện nay các học viên đang ứng dụng những kiến thức đã học vào điều kiện nuôi tại trang trại gia đình và cho những kết quả tốt. Còn đối với các học viên lớp nuôi trồng thủy sản nước ngọt xã Mỹ Xá (TP Nam Định), ngoài việc tiếp thu kiến thức về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các học viên còn được giảng viên tư vấn về cách tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm trên mạng internet. Nhờ đó, sau học nghề, các học viên đã tiếp cận, áp dụng mạng internet vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng nhờ tham gia lớp học nghề may công nghiệp, nhiều hội viên nông dân xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã phát triển nghề may công nghiệp, mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, HND huyện Mỹ Lộc còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở 5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với tổng số 175 học viên. Trong đó mở 2 lớp chăn nuôi tại xã Mỹ Tân và Mỹ Trung; 2 lớp trồng cây lương thực tại Thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hà; 1 lớp may công nghiệp tại xã Mỹ Trung, tạo điều kiện cho gần 1.000 lượt học viên tham gia học tập, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. HND huyện còn phối hợp với các ngành chức năng triển khai công tác dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Triển khai mô hình trình diễn phân bón trả chậm của Cty TNHH Công nghiệp xanh trên một mẫu lúa tại 2 xã Mỹ Hà và Mỹ Hưng. Ngoài ra, HND các xã, thị trấn trong huyện còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp sử dụng phân bón cho lúa, hoa màu, cây ăn trái bằng chế phẩm sinh học E.T với 14 lớp cho 1.950 hội viên nông dân.
|
Nhờ tham gia các lớp dạy nghề may công nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã biết cách tổ chức sản xuất hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo. |
Tại huyện Trực Ninh, HND huyện cũng đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân. Ngoài việc tổ chức dạy nghề ngắn hạn, HND huyện còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Viện Sinh học nhiệt đới, các HTX nông nghiệp... tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăm sóc lúa và rau màu, nuôi thủy sản, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... cho trên 21 nghìn lượt người tham dự. Phối hợp với Cty TNHH Phát triển nông nghiệp xanh triển khai xây dựng mô hình trình diễn bón phân nhả chậm cho lúa xuân; phối hợp với Cty TNHH Toản Xuân xây dựng mô hình sử dụng phân bón Tiến Nông tại xã Trực Thanh; phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 3 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, uốn tỉa cây cảnh với 105 học viên tham dự tại xã Liêm Hải, Trực Hưng. Ngoài ra, HND huyện còn phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định tổ chức 5 lớp dạy nghề nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 175 học viên tại các xã Trực Thắng, Trực Đại, Trực Thái, Liêm Hải, Phương Định. Phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư huyện; các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp… tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cấy, chăm sóc lúa và rau màu, cây ăn quả, nuôi thủy sản, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... cho trên 8.500 lượt người tham dự. Các lớp học trên đã giúp hội viên nông dân tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi có quy mô lớn, bước đầu hình thành một số trang trại VAC (vườn - ao - chuồng) với những giống vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Các lớp dạy nghề không những giúp người học trang bị kỹ năng về nuôi trồng để tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình mà còn là nơi gắn kết các hội viên cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Một trong những sáng tạo của HND các cấp đó là sau học nghề, HND các xã, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các tổ hợp, CLB. Tiêu biểu như ở huyện Trực Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2016, HND huyện đã xây dựng được 5 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi, nuôi thủy sản, dịch vụ làm đất, tiêu thụ hoa cây cảnh, tăm hương, dệt may tại các xã Trực Chính, Trực Thái và Trực Phú, Phương Định, Trực Đạo. Qua đó các hộ nông dân có điều kiện thường xuyên trao đổi, cập nhật kiến thức về thị trường, giá cả, tình hình dịch bệnh, thức ăn… để áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Thông qua việc thành lập các CLB, tổ hợp tác, cũng góp phần tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân. Có thể thấy, các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân. Người dân đã được cung cấp những kiến thức khoa học bổ ích giúp việc sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn. Với hình thức đào tạo gắn với tạo việc làm, cho vay vốn đã góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn