Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, những năm qua, bên cạnh những thuận lợi trong việc tập trung xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tình hình vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn cũng tiềm ẩn những phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Trước thực trạng trên, Thành ủy, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục những vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trên địa bàn.
|
Thành phố Nam Định trong công cuộc đổi mới. |
Để thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, Thành ủy, UBND thành phố đã xác định những lĩnh vực mà người dân hay vi phạm để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện. Theo đó những lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng và trật tự đô thị được ưu tiên tập trung các biện pháp quản lý. Đồng thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm; quy định trách nhiệm xử lý VPHC về quản lý trật tự đô thị, quy trình, hướng dẫn xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và trật tự đô thị… nhằm quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, chủ tịch UBND các phường, xã trong việc xử lý các VPHC về quản lý đô thị và hướng dẫn lực lượng có liên quan xử lý VPHC đúng người, đúng việc. Bên cạnh đó, UBND thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về xử lý VPHC; đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật cho những người trực tiếp tham mưu công tác xử lý VPHC của các phòng, ban, lãnh đạo UBND, công chức tư pháp - hộ tịch, công an, địa chính - xây dựng các phường, xã. Đồng thời chỉ đạo các phường, xã, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về xử lý VPHC và các văn bản pháp luật có liên quan thông qua việc tổ chức “Ngày pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt của các câu lạc bộ, hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý… Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tổ chức được 50 hội nghị, tuyên truyền Luật Xử lý VPHC cho hơn 5.000 lượt người; cấp phát 15 nghìn bộ tài liệu tuyên truyền về Luật Xử lý VPHC tới cán bộ và nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện Luật Xử lý VPHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ngay từ cơ sở. Trong quá trình thực hiện xử lý VPHC, các địa phương, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm soát để phát hiện các hành vi VPHC. Các vụ việc vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chưa phát hiện có sai phạm, tiêu cực trong triển khai thực hiện. Cùng với việc đẩy mạnh xử lý VPHC trên các lĩnh vực, từ năm 2015 đến nay, thành phố tập trung các biện pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên địa bàn. Trong đó, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc xử lý VPHC về đất đai, xây dựng tại các phường, xã đang có những vụ việc vi phạm phức tạp về xây dựng trái phép; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép. Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã tiến hành kiểm tra tại 8 phường, xã với 49 vụ việc xử lý VPHC về đất đai, xây dựng. Qua kiểm tra đã phát hiện những tồn tại như: Hồ sơ xử lý các VPHC nói chung, đặc biệt hồ sơ xử lý VPHC về đất đai, xây dựng của UBND các phường, xã lập không đảm bảo quy định của pháp luật về xử lý VPHC. Nhiều vụ việc vi phạm mới lập biên bản, ra quyết định đình chỉ mà không ra quyết định xử phạt hoặc không đề nghị người có thẩm quyền xử phạt; không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm đang diễn ra. Thậm chí nhiều nơi có vụ việc vi phạm chỉ báo cáo UBND thành phố rồi chờ chỉ đạo mà không chủ động tham mưu phương án giải quyết… khiến nhiều vụ việc hậu quả vi phạm phức tạp rất khó khắc phục. Qua kiểm tra, UBND thành phố đã kịp thời hướng dẫn UBND các phường, xã cách lập và hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm và yêu cầu UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý cương quyết, triệt để các vụ việc vi phạm mới phát sinh. Tổ chức cưỡng chế các vụ việc lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép tại các phường, xã. Chỉ đạo các phòng chức năng như: Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị nghiên cứu đề xuất của các phường, xã để tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo quản lý chặt chẽ đất công phòng, chống lấn chiếm và phối hợp với các phường, xã xử lý VPHC về đất đai. Kiến nghị các cơ quan điều tra xem xét xử lý về mặt hình sự đối với các vụ việc VPHC về đất đai, xây dựng phức tạp gây hậu quả lớn, có tính chất tái phạm hệ thống, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại một số điểm cụ thể để có phương án xử lý đất đai bị các tổ chức, cá nhân lấn, chiếm, xây dựng trái phép. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã phát hiện, xử lý 14.674 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt thu được gần 3 tỷ đồng xử lý VPHC; chuyển 43 hồ sơ có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả xử lý VPHC đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện xử lý VPHC trên địa bàn Thành phố Nam Định vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Trình độ, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn về đô thị, xử lý VPHC một số phường, xã còn hạn chế; sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về xử lý VPHC về đất đai, đô thị chưa được kịp thời, cụ thể dẫn đến nhiều vụ việc lúng túng trong xử lý, chậm khắc phục. Các đối tượng vi phạm đa số thuộc diện nghèo, khó khăn, hiểu biết nhận thức pháp luật chưa cao nên chây ì không nộp tiền phạt; người có thẩm quyền xử phạt chưa cương quyết, chưa có biện pháp cưỡng chế; các nghị định quy định xử phạt VPHC còn chồng chéo trên nhiều lĩnh vực, các quy định chưa cụ thể, dẫn chiếu quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác…
Để thực hiện tốt hơn công tác xử lý VPHC, trong thời gian tới, Thành phố Nam Định đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thể chế về xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành Luật để công tác xử lý VPHC có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các sở, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và phối hợp với thành phố và các phường, xã xử lý các vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý của mình cho các đối tượng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Xử lý VPHC trên các lĩnh vực, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý VPHC thuộc lĩnh vực đất đai, trật tự đô thị, tư pháp, thuế, quản lý thị trường. Đồng thời, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác xử lý VPHC tại các địa phương, đơn vị và các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện xử lý VPHC như nguồn kinh phí và trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý VPHC trên địa bàn./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng