Trên địa bàn huyện Trực Ninh có 317 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong đó tập trung chủ yếu ở 3 CCN: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng, với 64 doanh nghiệp, thu hút trên 3.600 lao động. Những năm qua, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người lao động và doanh nghiệp.
|
Xưởng chế tạo thiết bị chế biến thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ-PCCN. |
Xác định công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (VSLĐ-PCCN) có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tăng cường quản lý công tác an toàn VSLĐ-PCCN, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn VSLĐ-PCCN. Hằng năm, UBND huyện đều kiện toàn Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn VSLĐ-PCCN, xây dựng, triển khai kế hoạch công tác năm, trong đó trọng tâm là kế hoạch hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia an toàn VSLĐ-PCCN. Các ngành chức năng, các xã, thị trấn đều tổ chức tuần lễ quốc gia về an toàn VSLĐ-PCCN; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; phát sách, báo, tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tọa đàm, tìm hiểu pháp luật về công tác an toàn VSLĐ-PCCN; về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện an toàn VSLĐ-PCCN đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm an toàn VSLĐ-PCCN; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn VSLĐ-PCCN. Năm 2016, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn VSLĐ-PCCN huyện tập trung tuyên truyền chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn VSLĐ”. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn VSLĐ-PCCN. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có yêu cầu cao về an toàn VSLĐ-PCCN đều thành lập hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận an toàn VSLĐ; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh, hoạt động nền nếp theo nội quy; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn VSLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là quy trình vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư, cải thiện tạo điều kiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, PCCN, xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn…; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn VSLĐ, hằng năm, Ban Chỉ đạo an toàn VSLĐ-PCCN huyện tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật an toàn VSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức lớp tập huấn, huấn luyện kiến thức, các biện pháp, kỹ năng thực hiện an toàn VSLĐ, cho hàng trăm cán bộ làm công tác an toàn VSLĐ và người lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại các doanh nghiệp. Phòng LĐ-TB và XH huyện cử cán bộ hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự tiến hành kiểm tra công tác an toàn VSLĐ-PCCN, kịp thời xử lý, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các biện pháp an toàn VSLĐ, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục kịp thời những sai sót, bất cập trong công tác an toàn VSLĐ-PCCN. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn VSLĐ tại 5 doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn lao động, gồm: Cty CP Vĩnh Giang, Cty CP Đoàn Long, HTX CP Dệt may Thịnh Hưng, Cty CP Xây dựng Minh Tiến, Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Triều. Các ngành chức năng, các xã, thị trấn đều tổ chức kiểm tra công tác an toàn VSLĐ trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều đã quan tâm, đầu tư cho công tác an toàn VSLĐ-PCCN; có kế hoạch, biện pháp cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn VSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm. Hầu hết người lao động được trang bị và sử dụng dụng cụ, bảo hộ lao động; sử dụng máy, thiết bị; các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được thực hiện đăng ký và kiểm định đầy đủ theo quy định.
Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, huyện Trực Ninh đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác an toàn VSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ý thức thực hiện an toàn VSLĐ-PCCN ở cả người sử dụng lao động và người lao động đã được nâng cao. Thời gian tới huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động; tăng cường các trang thiết bị an toàn, thường xuyên tập huấn cho người lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi làm việc, tăng cường công tác tự kiểm tra, nâng cao công tác an toàn VSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong công tác an toàn VSLĐ-PCCN. Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn VSLĐ-PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn VSLĐ-PCCN. Đẩy mạnh phong trào thi đua xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn VSLĐ trong doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động nhằm xây dựng văn hóa an toàn trong lao động vì sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Minh Tân