Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở xã, phường, thị trấn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào nền nếp. Qua đó góp phần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
|
Làng quê xã Giao Xuân (Giao Thủy). |
Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, hằng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở; MTTQ, các đoàn thể, ngành chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan. Các xã, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản thực hiện dân chủ đến người dân. Do đó công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, mở rộng các hình thức dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, đã thực hiện nghiêm việc công khai những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân; nhân dân bàn và tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, huy động đóng góp của nhân dân xây dựng các công trình phúc lợi, việc bình xét hộ nghèo, gia đình chính sách, sửa đổi hương ước, quy ước… đều được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân bằng những hình thức trực tiếp hoặc thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được các xã, phường, thị trấn triển khai nghiêm túc bằng nhiều hình thức như: Thông báo trên hệ thống truyền thanh; niêm yết tại trụ sở xã, nhà văn hóa các thôn, xóm, tổ dân phố; thông qua hội nghị trưởng thôn, xóm, tổ dân phố. Kết quả nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh thể hiện rõ nét qua việc vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Trên tinh thần “trách nhiệm, đồng thuận, hành động”, chương trình xây dựng NTM đã thu hút được sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp để xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong quá trình triển khai thực hiện, tất cả các nội dung liên quan đến chương trình xây dựng NTM, UBND các xã, thị trấn, các thôn, xóm, khu phố phổ biến, tổ chức lấy ý kiến tới từng hộ dân; thông báo rộng rãi, công khai, minh bạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ruộng, đất, các khoản thu, chi… Từ đó tạo được sự đồng thuận, đồng thời huy động được nguồn nội lực trong dân, để góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, làm khởi sắc diện mạo nông thôn trong tỉnh. Qua hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã huy động từ nguồn đóng góp của dân được 11.564,5 tỷ đồng; nhân dân đã hiến 2.809ha đất nông nghiệp (giá trị tương đương 5.618 tỷ đồng), gần 200ha đất thổ cư (giá trị tương đương gần 1.000 tỷ đồng) để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi công cộng. Đến hết tháng 12-2015, toàn tỉnh có 112 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 18,6% so với kế hoạch và cao hơn bình quân cả nước 37,6%. Tỉnh ta là 1 trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM, trong đó huyện Hải Hậu là 1 trong 5 huyện đứng đầu toàn quốc được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015. Bên cạnh đó việc thực hiện QCDC ở cơ sở còn được thể hiện qua việc xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động ở xã, phường, thị trấn; hương ước, quy ước ở xóm, làng, khu dân cư. Đến nay, đa số các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản xây dựng và bổ sung các nội quy, quy chế, quy ước thực hiện dân chủ đúng với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; 2.996/3.628 làng, thôn, xóm, tổ dân phố đã có hương ước. Trong đó 100% làng, thôn, xóm, tổ dân phố ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường có hương ước. Việc thực hiện quy ước ở địa bàn dân cư đã phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, động viên nhân dân chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của nhân dân được phát huy, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả, kịp thời tham gia, phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ngay tại địa bàn dân cư. Đến nay, ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập Ban thanh tra nhân dân với 2.114 thành viên; 221/229 xã, phường, thị trấn thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng; toàn tỉnh có 3.497 tổ hòa giải cơ sở với trên 20 nghìn thành viên. Từ đầu năm 2016 đến nay, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong tỉnh đã tổ chức giám sát trên 500 cuộc; các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận giải quyết trên 2.000 vụ việc, chủ yếu trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai và mâu thuẫn nhỏ; tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 85%. Thông qua hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng và hòa giải ở cơ sở, những kiến nghị, đóng góp của nhân dân với chính quyền địa phương đã được Ủy ban MTTQ các địa phương tiếp nhận và gửi đến chính quyền cùng cấp xem xét, giải quyết. Cùng với việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng ngày càng dân chủ, cụ thể và bám sát thực tiễn; khắc phục được tình trạng quan liêu của một bộ phận cán bộ, công chức. Nhiều xã, phường, thị trấn đã chủ động tiến hành rà soát, loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, quy định đơn giản hoá thủ tục hành chính; tổ chức các bộ phận tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ công dân về thủ tục hành chính, tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân đối với các vấn đề về thủ tục hành chính cũng như liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến nay ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, góp phần giải quyết thủ tục nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.
Với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã giúp các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, kéo dài, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng