Bán hàng lưu động là cách doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa tìm đến người tiêu dùng để bán hàng trực tiếp thông qua các chương trình hội chợ triển lãm, quầy hàng kinh doanh lưu động. Thông qua phương thức này nhà sản xuất vừa trực tiếp tư vấn cho khách hàng vừa tiếp nhận ý kiến phản hồi ngay về sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay nhiều gian thương đã lợi dụng hình thức này trà trộn hàng giả, hàng nhái; kích cầu tiêu dùng bằng chiêu trò khuyến mại, bóc hàng trúng thưởng, tráo hàng quá hạn sử dụng khi khách không chú ý, mượn danh cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh doanh có uy tín khác… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng và trốn thuế, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Cty Sunhouse tổ chức bán hàng lưu động với đầy đủ điều kiện kinh doanh và niêm yết giá bán hàng hóa. |
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là phụ nữ ở các khu lao động, vùng nông thôn, người bán hàng lưu động đã gom các loại hàng hóa tiêu dùng thường xuyên, thực phẩm chức năng, bột thông tắc bồn cầu hay phân vi sinh, chế phẩm sinh học… là những món hàng cần sử dụng thường xuyên trong gia đình nhưng khó đánh giá ngay về chất lượng, giá cả để giới thiệu tới khách hàng với những lời quảng cáo hấp dẫn, dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng cả tin, kèm theo các chiêu khuyến mại, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng và cam kết về chất lượng. Nghe lời quảng cáo “đổi bếp gas cũ lấy bếp gas mới” của các tiểu thương bán hàng lưu động, bà Hằng (Khu tập thể Văn Miếu, TP Nam Định) liền hồ hởi đem bếp gas trong nhà đi đổi với tâm trạng rất vui. Chiếc bếp mới bóng loáng được giới thiệu có mặt kính cường lực không gây gỉ sét như bếp kim loại trước đây. Dù phải bù thêm 400 nghìn đồng nhưng bà không ngớt lời khen các doanh nghiệp ngày nay làm ăn có “tâm” vì được giới thiệu khi sử dụng chắc chắn sẽ an toàn, tiện lợi, tiết kiệm gas hơn bởi công nghệ đánh lửa tự động. Nhưng niềm vui ấy “ngắn chẳng tày gang”, vì mỗi lần nấu bà lại thêm lo bởi chỉ sau vài lần bật lửa, nút khởi động đã xộc xệch, ngọn lửa cháy không đều, chỗ xanh, chỗ đỏ, phải mở van gas ở mức to lửa mới cháy đều… Đang băn khoăn nghi ngờ bị lừa thì gặp bà hàng xóm cũng bức xúc nói chuyện cái chiếc nồi cơm điện mua đổi giống như của bà. Lúc bán hàng, các nhân viên bán hàng nói họ vừa đổi bếp gas cho gia đình bà Hằng và nhiều hộ dân khác nên đã tin ngay. Cũng với chiêu bài thu mua nồi cũ, đổi nồi mới và bù thêm ít tiền chênh lệch, bà đổi chiếc nồi cơm cũ của nhà mình lấy một chiếc nồi nhỏ hơn cho tiện sử dụng trong điều kiện các con đã lớn đi học, đi làm xa. Nhưng ngay khi cắm điện sử dụng thì chiếc nồi đã bốc ra mùi nhựa khó chịu, cơm nấu chẳng được ngon như chiếc nồi cũ, lớp chống dính vài lần đã bong tróc. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bà mang đến cửa hàng điện để hỏi mới biết là hàng rởm sản xuất bằng công nghệ lạc hậu và tận dụng nhựa không đạt chuẩn làm vỏ nồi nên khi đun sôi ở nhiệt độ cao xuất hiện mùi nhựa, lớp lõi bông thủy tinh giữ nhiệt được bảo vệ sơ sài bằng lớp kim loại mỏng nên không đảm bảo chất lượng. Nhiều hộ gia đình khác trong khu dân cư này cũng bị mắc bẫy với vô vàn sản phẩm như máy sục khí ô-dôn, bếp điện từ, dao i-nốc… Muốn khiếu nại cũng không biết tìm nhà sản xuất ở đâu vì địa chỉ ghi trên sản phẩm không rõ ràng, số điện thoại thì không liên lạc được. Ngoài bán hàng kém chất lượng, nhiều đối tượng còn đánh lừa người tiêu dùng với các mẫu hàng nhái giống hệt mẫu các mặt hàng quen thuộc trên thị trường như bột giặt, nước rửa bát, dầu gió, dầu ăn với giá cực rẻ, chẳng hạn mỗi bọc bột giặt lớn trọng lượng 10kg chỉ từ 70 đến 100 nghìn đồng, nước rửa bát 20 nghìn đồng/lít (không có nhãn hiệu)… Đáng ngại hơn, còn có cả mặt hàng được giới thiệu là chế phẩm sinh học, phân vi sinh và cả thực phẩm chức năng, tảo biển Nhật Bản… cũng được các nhóm thanh niên ăn mặc lịch sự, bảnh bao tiếp thị với bà con nhân dân. Với nhóm sản phẩm này, các nhóm đối tượng này lại khuyến khích người tiêu dùng bằng cách mua hàng tặng thêm sản phẩm và bóc hàng trúng thưởng. Theo đó hầu hết mỗi sản phẩm đều có phiếu trúng thưởng vì vậy không ít người tiêu dùng bị mắc lừa. Tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường), chị Trần Thị Lan xóm 8 mua một bộ nồi hầm trị giá 1,2 triệu đồng, khi bóc niêm phong chị được trúng thưởng một trong hai món đồ là một chiếc chảo chống dính hoặc một bộ đồ ăn bằng sứ. Đúng lúc đang loay hoay lựa chọn hàng tặng thưởng thì lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra điều kiện lưu thông hàng hóa, đình chỉ việc mua bán và yêu cầu các nhân viên bán hàng về cơ quan giải quyết. Lúc này chị Lan mới giật mình xem lại sản phẩm và so sánh giá bán với hàng ngoài thị trường mới phát hiện tại các cửa hàng đồ gia dụng sản phẩm này có giá bằng 1/3 so với số tiền chị phải trả. Đồng chí Trần Xuân Thái, đội trưởng đội Quản lý thị trường số 9 cho biết: Các nhóm bán hàng lưu động dạng này thường tập kết hàng tại một vị trí, sau đó thuê xe ôm hoặc dùng xe máy di chuyển đến gần khu vực bán hàng, rồi gửi xe và tiếp tục đi bộ mang một lượng nhỏ hàng hóa vào khu dân cư để bán. Khi có khách mua mới hẹn hoặc gọi người của Cty mang đến. Đây là cách trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và đánh lạc hướng người tiêu dùng.
Hiện tượng lợi dụng những người thiếu thông tin thị trường và xã hội để tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhằm trục lợi đã không còn hiếm. Trước thực trạng này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường tập trung nhân lực bám sát địa bàn và làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, người dân để kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện hoạt động lén lút của nhóm đối tượng bán hàng lưu động. Ngay trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kịp thời ngăn chặn hàng chục vụ vi phạm bán hàng lưu động không đúng quy định của pháp luật. Điển hình là vụ việc đội Quản lý thị trường số 2 (TP Nam Định) kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-07974 do lái xe Vũ Ngọc Đáng điều khiển đang dừng đỗ tại đường nhánh KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Tại thời điểm kiểm tra, trên xe chở 3.500kg hạt nhựa PE-RT do Hàn Quốc sản xuất (gồm 140 bao), lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa trên. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt hành chính 31 triệu đồng về hành vi kinh doanh sai địa điểm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng nhập lậu; tịch thu số hàng hóa trị giá 96,25 triệu đồng. Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần cẩn trọng khi mua hàng, tránh việc ham giả rẻ, khuyến mãi hoặc tin những lời quảng cáo bóng bẩy về sản phẩm. Các đối tượng bán hàng này thường nói rất nhanh, nhiều, tung ra hàng mớ thông tin khiến người mua bị rối trí. Cần theo dõi thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách nhận diện hàng thật, hàng giả, nắm bắt thông tin về các phiên chợ hàng Việt, chất lượng được tổ chức tại địa phương để chọn mua sản phẩm phù hợp, tránh “tiền mất tật mang”./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương