Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thường xuyên chăm lo về vật chất và tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Trực Ninh có 3.037 người anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu ở khắp các chiến trường, 197 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12.757 đối tượng chính sách, trong đó có 3.983 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp thường xuyên, gồm: 1.145 gia đình liệt sĩ, 1.086 thương binh, 881 bệnh binh, 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 33 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 787 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng khác. Thực hiện chính sách đối với người có công, hằng tháng, các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức chi trả tiền trợ cấp thường xuyên cho 3.983 đối tượng chính sách với tổng số tiền trên 6 tỷ 250 triệu đồng. Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách người có công như: cấp thẻ BHYT, lập hồ sơ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách… Từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với BHXH huyện rà soát, tiến hành cấp đổi thẻ BHYT cho 12.757 người có công và thân nhân người có công; xét duyệt và cấp bổ sung kịp thời cho 161 đối tượng tăng mới theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Trong năm học 2015-2016, có 132 học sinh, sinh viên là con em người có công được hưởng chế độ ưu đãi trong GD và ĐT, học nghề theo Thông tư 36/2015/TT-BLĐTBXH. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức cho 179 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Phòng LĐ-TB và XH huyện chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 670 đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước; cấp dụng cụ chỉnh hình cho 177 thương binh; chi trả mai táng phí cho 221 trường hợp đối tượng chính sách qua đời… Đặc biệt thời gian qua, thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn hướng dẫn đối tượng trong diện kê khai, thẩm định hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Từ đầu năm đến nay 7 thương binh, 3 bệnh binh, 1 người hoạt động kháng chiến bị giặc bắt, tù đày, 17 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp thường xuyên; 17 trường hợp là vợ, chồng thương, bệnh binh 61% trở lên mất trước năm 2012 được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng; cấp thẻ BHYT cho người thân của thương, bệnh binh 61% trở lên… Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn hướng dẫn các đối tượng trong diện lập hồ sơ, đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và đã có 61 bà mẹ được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay toàn huyện có 197 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công, từ năm 2015 đến nay, huyện đã tiến hành rà soát, thực hiện hỗ trợ 104 gia đình người có công với cách mạng xây mới, sửa chữa nhà ở.
Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công và các gia đình thương binh, liệt sĩ, huyện Trực Ninh đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện ưu tiên về ruộng đất, hỗ trợ về ngày công lao động; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, giới thiệu việc làm..., giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước và của tỉnh, huyện trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cùng với việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ với tổng số tiền gần 1,85 tỷ đồng đảm bảo an toàn, đúng quy định; huyện trích ngân sách 1,84 tỷ đồng; huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp gần 800 triệu đồng để tặng quà đối tượng chính sách, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ đón Tết, vui xuân.
Với những hoạt động thiết thực, huyện Trực Ninh đã từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có công với cách mạng. Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2016), huyện Trực Ninh đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân; đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng./.
Minh Tân