Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của tỉnh, có mật độ dân cư cao. Do các loại hình dịch vụ ăn uống đa dạng, khó kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến nên công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành VSATTP thành phố và các phường, xã đều được kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động, huy động sự tham gia của toàn thể nhân dân vào công tác bảo đảm ATVSTP. Trong các giải pháp thực hiện, BCĐ liên ngành VSATTP từ thành phố tới các phường, xã đều xây dựng các điểm ATTP về thức ăn đường phố, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, xây dựng ý thức chấp hành các quy định của pháp luật ở người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Trung tâm Y tế thành phố đã biên soạn các tài liệu về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây qua đường ăn uống cấp phát cho các phường, xã để tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của các phường, xã, trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể. Nội dung truyền thông hướng tới 4 nhóm đối tượng chính là người sản xuất, chế biến thực phẩm; người kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng; nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã mở 8 lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho 700 người là quản lý các cơ sở thực phẩm, người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả, Trung tâm Y tế thành phố hướng dẫn các phường, xã tổ chức khảo sát thực trạng hộ kinh doanh thức ăn đường phố; đôn đốc ký cam kết thực hiện 10 nội dung đảm bảo VSATTP giữa chủ cơ sở với UBND và trạm y tế các phường, xã; tổ chức tập huấn kiến thức VSATTP, thực hiện khám sức khỏe cho chủ hộ và người tiếp xúc với thực phẩm... Đến nay Thành phố Nam Định đã xây dựng được 2 phường mô hình điểm về ATTP là phường Quang Trung và phường Thống Nhất. Toàn thành phố có 1.380 cơ sở thực phẩm bao gồm các loại hình: sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống đóng trên địa bàn, trong đó thành phố quản lý 105 cơ sở; phường, xã quản lý 1.275 cơ sở. Trong tổng số 105 cơ sở do thành phố quản lý, 81 cơ sở đã được Trung tâm Y tế thành phố cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực; 1.275 cơ sở đã ký cam kết đảm bảo ATTP với UBND phường, xã trên địa bàn. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và Phòng GD và ĐT thành phố đã thống nhất các biện pháp quản lý, đảm bảo ATTP cho học sinh bán trú. Trong đó các trường học đều cử người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm dự các lớp tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe do Trung tâm Y tế thành phố tổ chức hằng năm. Đến nay 100% số trường có bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố đã được cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện VSATTP”. Đối với khối cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn, Trung tâm Y tế thành phố tổ chức tập huấn kiến thức, hướng dẫn cán bộ y tế cơ quan, doanh nghiệp cách quản lý bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP cho cán bộ, CNVC, BCĐ liên ngành VSATTP thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở thực phẩm; trong đó tập trung vào các đợt cao điểm: Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Bằng các biện pháp đồng bộ, thành phố đã quản lý, đưa các đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn hoạt động đúng quy định ATTP, đồng thời giúp người tiêu dùng nâng cao kiến thức về ATTP để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Những năm gần đây trên địa bàn thành phố không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, BCĐ liên ngành VSATTP thành phố đã phát động chiến dịch truyền thông; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố đến các phường, xã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 487 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm và bếp ăn tập thể trường học, cụm công nghiệp. Qua kiểm tra, chỉ có 13% cơ sở không đạt yêu cầu, bị xử lý hành chính các lỗi về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm...
Tuy nhiên, do đặc thù riêng của đô thị nên công tác bảo đảm ATTP tại Thành phố Nam Định vẫn còn một số tồn tại, như: Việc quản lý để đảm bảo ATTP qua các khâu từ nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, bảo quản và dịch vụ chưa đồng bộ. Vấn đề quản lý ATTP trong ăn uống tại các đám cưới vẫn còn nan giải. Vẫn còn nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP… Để giải quyết những tồn tại trên, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành của thành phố để công tác đảm bảo ATTP được hiệu quả, bền vững./.
Minh Thuận