Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

08:07, 27/07/2016
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn nhưng không phế”, mặc dù mang trong mình thương tật nhưng những người lính năm xưa vẫn phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vững vàng trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
 
Sinh năm 1953 tại xã Yên Minh (Ý Yên), năm 1973, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Xuân Định tình nguyện lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào đại đội 12, tiểu đoàn 863, lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân, Nguyễn Xuân Định trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháng 8-1978, trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Căm-pu-chia, ông bị thương. Tháng 4-1984, ông được nghỉ chế độ, với tỷ lệ bệnh binh 61%, thương binh hạng 3/4. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Định nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 1987, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTXNN. Những năm tháng ấy, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, về nhận thức, về phương thức sản xuất, đồng ruộng manh mún, quy hoạch cây trồng chưa phù hợp trên từng loại đất nên năng suất thấp, đời sống nông dân vô cùng khốn khó. Ông đã bàn với Ban chủ nhiệm HTX, phải nghiên cứu đổi mới cách làm ăn. Trước hết là cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, mạnh dạn đưa các giống lúa, cây trồng có năng suất và khả năng kháng chịu sâu bệnh cao về gieo trồng tại đồng đất quê hương. Nhờ đó, đời sống của các hộ nông dân từng bước được cải thiện. Tháng 5-1993, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã và từ năm 1999 ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã Yên Minh. Trên các cương vị công tác, ông đều nhiệt tình, trách nhiệm, luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đưa nghề thêu ren vào xã để giải quyết việc làm cho người lao động; mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, phá vỡ thế độc canh cây lúa. Năm 2002 ông là hộ đầu tiên đầu tư xây dựng gia trại nuôi lợn siêu nạc. Thời điểm đó, gia đình ông duy trì đàn lợn 5 con nái và trên 80 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng trên 30 tấn lợn hơi, thu lãi 100-120 triệu đồng. Thấy mô hình gia trại của gia đình ông đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã cũng phát triển nuôi lợn siêu nạc để cải thiện kinh tế gia đình. Cũng nhờ thu nhập cao và ổn định từ kinh tế gia đình nên vợ chồng ông chăm lo cho các con ăn học chu đáo, cả 3 người con của vợ chồng ông đều tốt nghiệp đại học và hiện nay đều có việc làm ổn định ở Hà Nội.
 
Trang trại nuôi thủy sản của thương binh Cao Văn Ba, ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong (Giao Thủy).
Trang trại nuôi thủy sản của thương binh Cao Văn Ba, ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong (Giao Thủy).
Ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong (Giao Thủy), ông Cao Văn Ba, thương binh với tỷ lệ thương tật 21% được nhiều người tin yêu, quý trọng bởi nghị lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi thủy sản. Mùa xuân năm 1985, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ông bị thương trong một trận pháo kích của địch. Năm 1987, ông xuất ngũ trở về quê hương. Cuộc sống gia đình khó khăn, năm 1989, ông mạnh dạn làm tổ trưởng tổ thương binh của xã Giao Phong đứng ra nhận đấu thầu diện tích 18ha đầm ven biển để nuôi thủy sản. Ngoài việc cho các thành viên trong tổ thương binh đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi thuỷ sản, ông cử người đi học các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản; đầu tư cải tạo đầm, quy hoạch các vùng nuôi cá rô phi, cua, tôm… Bằng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, mô hình nuôi thủy sản của tổ thương binh xã Giao Phong luôn cho năng suất cao, sản lượng đều đặn. Năm 1995, mô hình nuôi thủy sản của tổ thương binh xã Giao Phong đã vinh dự được đón Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về thăm. Trong những năm vào cơ chế thị trường, ông Cao Xuân Ba tách ra làm ăn riêng. Mới đầu ông nuôi tôm sú, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Một lần nghe trên đài đưa tin một số nước đang phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao, ông “khăn gói” đi Quảng Ninh, sang cả Trung Quốc để học cách nuôi tôm thẻ chân trắng. Trở về, ông đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô nhỏ, vừa nuôi, vừa tìm hiểu tập tính của loại tôm này và từng bước mở rộng diện tích nuôi. Thấy nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế gấp đôi so với nuôi tôm sú, nhiều người đến nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đã thành công. Hiện nay, gia đình ông đã thành lập trang trại nuôi thủy sản với hơn 5ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động. Mỗi năm, trang trại đạt sản lượng trên 100 tấn tôm thương phẩm, doanh thu 5-6 tỷ đồng, thu lãi trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Ba luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nuôi. Từ năm 2012, ông Ba được bà con xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Giao Phong. Là người có công đưa con tôm thẻ chân trắng về nuôi ở địa phương, ông Cao Xuân Ba đã góp phần đưa diện tích nuôi thủy sản của xã Giao Phong lên khoảng 150ha, cho hiệu quả kinh tế cao. 
 
Với bản lĩnh, phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trong cuộc sống hôm nay những người lính năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác và các hoạt động lao động sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com