Là tỉnh duyên hải nên tỉnh ta có hệ thống đê điều lớn với tổng số 663km đê, trong đó 365km đê cấp I, II và III (gồm 91km đê biển và 274km đê sông), 298km đê dưới cấp III. Có 157km kè, trong đó có 65km kè đê biển và 92km kè đê sông, 282 cống lớn, nhỏ qua đê; 31 bối, trong đó 28 bối có dân sinh sống, 3 bối canh tác. Do hệ thống đê điều lớn, phân bố trên diện rộng khắp các địa phương nên công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật về đê điều gặp rất nhiều khó khăn. Sau gần 6 năm hình thành và phát triển, lực lượng quản lý đê nhân dân (QLĐND) tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã có những đóng góp đáng kể trong việc phối hợp với lực lượng quản lý đê (QLĐ) chuyên trách giúp các xã, phường, thị trấn ven đê phát hiện sớm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều và những sự cố công trình đê điều.
Lực lượng QLĐND với lực lượng nòng cốt là cán bộ giao thông, thủy lợi của các xã, thị trấn nên những người này có kinh nghiệm, chấp hành tốt sự phân công của chính quyền địa phương và hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn Phòng NN và PTNT, Hạt QLĐ. Với nhiệm vụ được phân công, lực lượng QLĐND tại các xã, thị trấn ven đê đã cơ bản thực hiện tốt việc thu dọn các vật cản trên mặt đê, kè; tham gia kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn và xử lý các sự cố đê điều. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vận động nhân dân thực hiện Pháp luật về đê điều. Bên cạnh đó, lực lượng QLĐND còn tham gia với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án hộ đê, PCLB của địa phương mình. Tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như: điếm canh, vật tư dự trữ chống lũ, lụt, bão; biển báo đê điều; cột chỉ giới, cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác. Tại nhiều địa phương, lực lượng QLĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiêu biểu như các phường: Trần Tế Xương, Cửa Nam (TP Nam Định); các xã, thị trấn: Nam Điền, Rạng Đông, Quỹ Nhất, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); Xuân Tân (Xuân Trường); Tân Thịnh, Điền Xá, Nam Giang, Nam Dương, Đồng Sơn (Nam Trực)... Nhiều nhân viên QLĐND thường xuyên kiểm tra không kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật đã phát hiện nhiều vụ vi phạm đê điều, chặt tre chắn sóng, khai thác cát, tổ chức đốt phế thải trên mái đê… kịp thời báo cáo các vi phạm mới phát sinh, tham mưu cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý. Chủ động khơi thông ổ gà đọng nước sau mỗi đợt mưa, tham gia phát quang mái đê, vận động người dân không đổ rác ra đê… Xã Yên Quang (Ý Yên) có 4,6km đê tả sông Đáy. Đồng chí Nguyễn Văn Luyên, Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, UBND xã giao cho lực lượng QLĐND phối hợp với trưởng thôn hằng ngày tuần tra, kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm đê điều. Khi có báo cáo về vi phạm, UBND xã lập tức triệu tập người vi phạm để nhắc nhở, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và tự giải tỏa khắc phục vi phạm. Chính vì vậy, mặc dù huyện Ý Yên là địa phương có nhiều số vụ vi phạm đê điều nhiều nhất trong tỉnh nhưng từ nhiều năm nay trên địa bàn xã Yên Quang không hề xảy ra trường hợp vi phạm nào. Ở huyện Hải Hậu, lực lượng QLĐND cũng hoạt động khá hiệu quả. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết: Lực lượng QLĐND các xã, thị trấn thường xuyên dọn vệ sinh các vật cản trên mặt đê, kè, phối hợp với Hạt QLĐ tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, đã phát hiện sớm để báo cáo lên cấp trên các sự cố, sạt lở cục bộ mái kè Hải Thịnh 3, phát hiện, ngăn chặn việc khai thác cát tự phát không đúng nơi quy định của nhân dân…
|
Tu bổ tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua xã Điền Xá (Nam Trực). |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của lực lượng QLĐND còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc phát hiện ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều của lực lượng QLĐND ở nhiều địa phương còn hạn chế, nhất là tại các xã có khu dân cư bám dọc theo đê. Trên tuyến đê sông Sắt qua huyện Vụ Bản và Ý Yên lực lượng QLĐND của các xã không hoạt động thường xuyên, chưa hiệu quả, thậm chí có một số xã của huyện Ý Yên lực lượng QLĐND còn không hoạt động. Nhân viên QLĐND của 12/19 xã, thị trấn ở Nghĩa Hưng (Nghĩa Hồng, Hoàng Nam, Nghĩa Châu, Nghĩa Thắng…) hoạt động chưa hiệu quả, phần lớn là kiêm nhiệm nên chưa chủ động trong việc của mình, chưa phát huy được vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Tại các xã Hải Giang, Hải Anh, Hải Phong, Hải Trung (Hải Hậu) do không thường xuyên kiểm tra, nhất là sau khi mưa nên việc thoát nước mặt đê hay phát hiện vi phạm còn chưa kịp thời. Lực lượng QLĐND ở các xã, thị trấn: Ngô Đồng, Hồng Thuận, Giao Xuân, Giao Hải (Giao Thủy) chưa phối hợp tốt trong việc ngăn chặn vi phạm như: đổ rác thải, xe quá tải đi trên đê… Đa phần lực lượng QLĐND là lực lượng kiêm nhiệm bên cạnh mặt tích cực lại có hạn chế là “gánh” nhiều công việc nên lơ là, xem nhẹ công việc quản lý đê, có người còn đi học chuyên môn. Nhận thức của chính quyền ở một số xã, thị trấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm về QLĐND chưa thật đầy đủ. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một số nhân viên QLĐND còn yếu, chưa nắm chắc các văn bản pháp luật về đê điều nên việc tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng ở việc phát hiện vi phạm và phản ánh, báo cáo. Tính chủ động trong công tác tham mưu với chính quyền xã và cơ quan quản lý cấp trên còn hạn chế. Công tác kiểm tra phát hiện các hành vi, vi phạm Luật Đê điều; các hư hỏng, sự cố của công trình đê điều tại một số địa phương còn xử lý chưa kịp thời. Nhiều vi phạm hay sự cố đê điều khi lực lượng QLĐ chuyên trách phát hiện thông báo thì lực lượng QLĐND địa phương mới biết. Sự phối kết hợp giữa lực lượng QLĐND với lực lượng QLĐ chuyên trách tại một số huyện chưa được chặt chẽ. Việc sinh hoạt, công tác báo cáo định kỳ cho Phòng NN và PTNT, các Hạt QLĐ theo quy định còn chưa đi vào nề nếp. Việc chi trả phụ cấp cho lực lượng QLĐND chưa kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng QLĐND, góp phần bảo vệ đê điều và PCLB, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến điều kiện làm việc của lực lượng QLĐND, nhất là tại những địa bàn phức tạp, khó khăn, từ chế độ phụ cấp đến các trang thiết bị bảo hộ như: áo mưa, đèn pin… Sở NN và PTNT cần phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên quan tâm đôn đốc kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của lực lượng QLĐND tại địa phương. Thực hiện tốt khâu tuyển chọn nhân viên QLĐND, thay thế những người đủ tiêu chuẩn nhưng không nhiệt tình trong công việc. Các huyện cần tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn về tổ chức, đưa mọi hoạt động của lực lượng QLĐND đi vào nề nếp./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh