Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, những năm qua công tác Dân số - KHHGĐ của huyện Nam Trực đã được đẩy mạnh. Hằng năm, huyện đều đạt và vượt các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ đã đề ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Để thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ, hằng năm UBND huyện đều tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ các xã, thị trấn trong huyện. Các hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên, phong phú về nội dung và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, huyện tích cực triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 2011, huyện đã tiếp nhận, triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 4 xã Nam Thái, Nam Mỹ, Nam Dương, Nam Hải. Thông qua việc triển khai mô hình, đã tư vấn cho hơn 2.000 lượt người và khám sức khỏe sinh sản cho trên 500 vị thành niên, thanh niên; thành lập 8 câu lạc bộ (CLB) “Sức khỏe sinh sản - Tiền hôn nhân” với 200 thành viên tham gia; tổ chức 32 buổi tuyên truyền... Các hoạt động trên đã giúp các đối tượng vị thành niên, thanh niên các kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kỹ năng sống trước khi bước vào cuộc sống gia đình; biết phòng ngừa, điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến SKSS trước khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ... Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được triển khai từ năm 2011 đến nay có gần 500 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh được chẩn đoán xác định mắc các bệnh lý rối loạn bẩm sinh di truyền. Qua sàng lọc đã điều trị kịp thời cho các trẻ em bị thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh ngay trong giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng để loại bỏ giảm thiểu các di chứng của bệnh, nhờ đó trẻ phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc triển khai có hiệu quả các mô hình, đề án dân số đã góp phần tạo cho thế hệ tương lai có sức khỏe tốt và có cơ hội trưởng thành toàn diện về mọi mặt.
|
Trạm Y tế xã Nam Mỹ phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh. |
Hằng năm, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại các xã, thị trấn. Tăng cường công tác quản lý đối tượng thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng và cung cấp tài liệu tư vấn cho các đối tượng mới thực hiện biện pháp tránh thai. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các mô hình CLB như: “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, CLB “Các bậc cha mẹ với SKSS vị thành niên, thanh niên”; CLB “Mẹ và con gái”; CLB “Nhóm ông bố có con tuổi vị thành niên”. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các CLB gắn với các nội dung truyền thông về SKSS vị thành niên, thanh niên, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS, làm mẹ an toàn, bình đẳng giới và vai trò của nam giới trong CSSKSS... đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác Dân số - KHHGĐ cho các đối tượng. Tiêu biểu là các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 các xã Nam Thanh, Nam Hải, Nam Hùng; CLB tiền hôn nhân các xã Nam Thái, Nam Mỹ, Nam Dương, CLB phụ nữ sinh con một bề làm kinh tế giỏi các xã Điền Xá, Nam Cường, Thị trấn Nam Giang. Xã Nam Thái có gần 3.000 thanh niên, vị thành niên, là một trong 4 xã được tham gia Đề án tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, Ban Dân số xã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức các loại hình sinh hoạt CLB dành cho thanh niên, vị thành niên; tập trung vào việc tuyên truyền các biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kỹ năng sống, kỹ năng CSSKSS vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục, tình bạn, tình yêu học đường. Đội ngũ cộng tác viên dân số của các thôn, xóm tại xã thường xuyên bám địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số, trong đó chú trọng công tác CSSKSS cho con em. Tại xã Nam Mỹ, triển khai Đề án tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, xã đã thành lập và tổ chức sinh hoạt CLB tiền hôn nhân, nhóm đồng đẳng; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, nam nữ chuẩn bị kết hôn thông qua hệ thống đài phát thanh, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở; tổ chức cấp tờ rơi, sách nhỏ, sách mỏng và nói chuyện chuyên đề về CSSKSS, khám, tư vấn cho vị thành niên, thanh niên... Trạm Y tế xã phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh khối lớp 8, lớp 9 của trường THCS. Thông qua các hoạt động của đề án đã cung cấp cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức, kỹ năng thực hành CSSKSS, kỹ năng sống cơ bản trước khi bước vào cuộc sống gia đình; hướng dẫn phòng ngừa, điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trước khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác dân số.
Để nâng cao hiệu quả công tác Dân số - KHHGĐ trong thời kỳ mới, UBND huyện Nam Trực đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2016-2020. Trong đó, mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt nhu cầu CSSKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số. Duy trì tốc độ giảm sinh mỗi năm 0,1%0, giảm tỷ lệ số người sinh con thứ 3 trở lên trung bình mỗi năm 1%.
Đến năm 2020 giảm tỷ lệ số người sinh con thứ 3 trở lên xuống còn 11,1%. Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Cải thiện sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên. Tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện cho người chưa thành niên và thanh niên lên trên 20% tổng số điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS. Tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 cháu trai/100 cháu gái. Các giải pháp tập trung là: Nâng cao chất lượng các hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ. Làm tốt công tác CSSKSS, CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi. Đối với nhóm vị thành niên và thanh niên, tập trung truyền thông về SKSS, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng giới và vai trò của nam giới trong CSSKSS và thực hiện bình đẳng giới. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về dân số - SKSS, dân số và phát triển, giới và giới tính thông qua các chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường, bổ sung thêm kiến thức phù hợp với lứa tuổi và thuần phong, mỹ tục ở các cấp học: THCS, THPT và các trường dạy nghề. Tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục về dân số - SKSS, phòng ngừa HIV, bình đẳng giới cho nhóm vị thành niên và thanh niên./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng