Cuối tháng 5-2016, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh do LĐLĐ tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, Luật Công đoàn và quy chế dân chủ ở cơ sở tại 10 doanh nghiệp. Qua giám sát, có 4/10 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền 1.025.241.690 đồng; cụ thể là: Cty TNHH May T&C nợ 520.327.199 đồng, Cty TNHH Anh Cường nợ 10.030.588 đồng, Cty CP Thương mại Xuân Hương nợ 57.666.958 đồng và Cty TNHH May Thuận Thành nợ 437.216.945 đồng. Số lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa được tham gia là 490/9.362 lao động.
Từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng chậm đóng, chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động. Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến ngày 30-6-2016, toàn tỉnh có 2.292 doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng, chậm đóng với tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 160,846 tỷ đồng, tăng 13,875 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp nợ đọng nhiều là Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định, Cty CP Comma 19, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Xây lắp I Nam Định, Cty CP May Nam Hải, Cty Xây lắp điện Nam Hà... Nguyên nhân do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị đình đốn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể, người lao động bị nợ lương, thất nghiệp... Một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT nên chưa tự giác tham gia. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm chính sách về BHXH là ý thức tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT, BHXH chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT, BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo số liệu khảo sát, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 đơn vị với khoảng 23 nghìn lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa đăng ký tham gia. Như vậy, tính đến ngày 30-6-2016, toàn tỉnh có 168.990 người lao động trong 2.292 doanh nghiệp nợ đọng BHXH bị ảnh hưởng đến các chế độ chính sách BHXH, BHYT, thậm chí không được thanh toán chế độ khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động với người lao động chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ và đối phó. Nhiều đơn vị có đủ điều kiện tham gia BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không quan tâm đến việc tham gia BHXH cho người lao động. Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, một trong những điểm mới là quy định trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn. Đây là một thách thức, khó khăn không nhỏ đối với ngành BHXH, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các ngành trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến nợ BHXH. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: Ngày 14-4-2016, TAND Tối cao ban hành Văn bản số 105 về việc hướng dẫn thi hành Luật BHXH gửi TAND các cấp. Văn bản nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 9, Điều 22 của Luật BHXH thì cơ quan BHXH có quyền xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Như vậy, kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH được giao cho tổ chức công đoàn. Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cho biết: Điểm mới trong Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 góp phần tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập hồ sơ, trình tự khởi kiện, ủy quyền của người lao động như thế nào. Trước đây, khi là người khởi kiện, cơ quan BHXH có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp về BHXH, đồng thời có nguồn kinh phí dành cho hoạt động khởi kiện. Còn đối với tổ chức công đoàn, khi khởi kiện vi phạm về BHXH, công đoàn sẽ phải đến cơ quan BHXH để thu thập tài liệu, chứng cứ là thách thức đối với tổ chức công đoàn trong hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự.
Trong khi chờ các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương ban hành hướng dẫn cụ thể tiến hành khởi kiện, BHXH tỉnh đang quyết liệt thực hiện đôn đốc, thu nợ; BHXH các huyện, thành phố thường xuyên thông báo và trực tiếp đến từng đơn vị để đôn đốc việc thu nộp bảo hiểm. Từ ngày 1-6-2016, chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH theo Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng giúp ngành BHXH thực hiện tốt công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH sẽ kịp thời tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ỳ; quản lý chặt chẽ công tác quản lý thu, xử lý thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động./.
Việt Thắng