Giao Thủy thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội

07:07, 14/07/2016
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Giao Thủy luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
 
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 8.500 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp thường xuyên, trong đó có 4.134 người cao tuổi (80 tuổi trở lên), 4.048 người khuyết tật và các đối tượng người nghèo đơn thân nuôi con nhỏ, trẻ em mồ côi, không có người nuôi dưỡng… Để thực hiện hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội hiệu quả, hằng năm, huyện uỷ, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, ngành chức năng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ họ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn thường xuyên rà soát các đối tượng yếu thế, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng, kịp thời lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng bảo trợ mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp đối với đối tượng thoát nghèo, không còn trong diện bảo trợ xã hội, đồng thời triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ. Thời gian qua, 100% đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, với tổng mức chi trả hằng tháng gần 2 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, huyện đã giải quyết thủ tục cấp thẻ BHYT miễn phí cho 22.945 người, gồm 2.903 người khuyết tật, 8.668 người nghèo và 11.374 người thuộc hộ cận nghèo, tạo thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, con em đi học được miễn, giảm học phí, được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ học nghề…; khi đối tượng chết được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định. Bên cạnh đó, công tác cứu trợ đột xuất được quan tâm giải quyết kịp thời, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị tật nguyền được đưa vào Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật, các cháu khuyết tật được đưa đi khám, phẫu thuật miễn phí… Hằng năm, Hội đồng xét duyệt công tác bảo trợ xã hội, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật các xã, thị trấn đều được kiện toàn, thường xuyên tổ chức xét duyệt trợ cấp cho các đối tượng, đảm bảo công khai, công bằng, đúng quy định theo Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi. 6 tháng đầu năm 2016, huyện Giao Thủy đã duyệt trợ cấp thường xuyên bổ sung cho 610 đối tượng bảo trợ xã hội, gồm: 174 người khuyết tật, 325 người cao tuổi, 100 người đơn thân nuôi con nhỏ, 2 trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác. Trong đợt Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, huyện đã trợ cấp cho 7.715 đối tượng bảo trợ và 222 hộ nghèo; các xã, thị trấn tổ chức thăm, tặng quà Tết cho 2.665 người cao tuổi và tổ chức mừng thọ trang trọng cho các cụ.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất của anh Vũ Xuân Nghinh, ở xóm Thanh Nhân, xã Giao Thanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15-20 lao động.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất của anh Vũ Xuân Nghinh, ở xóm Thanh Nhân, xã Giao Thanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15-20 lao động.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Huyện đã vận dụng tốt các cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực của các cấp, các ngành thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, xác định đối với các hộ nghèo, khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu để làm ăn. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH huyện, các ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Để giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, các địa phương đã vận động hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giúp vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất để áp dụng vào thực tế, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm. Đối tượng bảo trợ có khả năng lao động, lao động thuộc hộ nghèo được ưu tiên tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn sản xuất, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm… để tự lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 1.741 lao động, trong đó có 230 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956; tạo việc làm cho 2.577 lao động. Cùng với tạo việc làm cho lao động tại địa phương, huyện cũng tạo điều kiện cho các đối tượng được tham gia xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh… Chính sách an sinh xã hội ngoài việc thực hiện hỗ trợ, trợ giúp cũng đã có tác động không nhỏ tới nhận thức của cộng đồng. Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo” trên địa bàn huyện được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của nhiều lực lượng xã hội, đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng, nhất là đối với những người nghèo, người cận nghèo. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, công tác giảm nghèo bền vững ở Giao Thủy đã đạt được những kết quả thiết thực. Phần lớn hộ nghèo được hỗ trợ đã tích cực phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, không tái nghèo trở lại. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo tiêu chí mới là 5,92%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,7%.
 
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ, hộ nghèo, cận nghèo. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của các đối tượng để có kế hoạch trợ giúp phù hợp, nâng cao đời sống các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com