Để người dân chủ động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu

08:07, 19/07/2016
Xác định người dân là các đối tượng chính chịu tổn hại khi gặp tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh ta đã tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực ứng phó, thích nghi BĐKH cho người dân. Các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đều tích cực tự tổ chức hoặc huy động kinh phí, phối hợp tổ chức các dự án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH; chú trọng nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm “tự” cứu mình và thích nghi, phát triển sản xuất trong điều kiện các lĩnh vực đều chịu tác động của BĐKH như: tài nguyên nước; nông, lâm, ngư nghiệp; y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cơ sở hạ tầng; năng lượng, thương mại, du lịch; xóa đói, giảm nghèo... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH. Các địa phương, các ngành quán triệt quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển sinh kế cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH. Để giảm thiệt hại do BĐKH gây ra các hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các vùng chân ruộng trũng, thường xuyên bị bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa ngập, Sở NN và PTNT đã thực hiện chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu; xây dựng các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao; chuyển dịch từ các giống lúa dài ngày sang ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu rét; tăng diện tích trồng lúa vụ đông xuân giảm diện tích vụ mùa (hay có bão, lụt). Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, quan tâm lựa chọn giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi của thời tiết, tăng cường áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước. Tại những vùng ao, đầm ven biển dễ bị ngập úng, xâm nhập mặn, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu con nuôi cho phù hợp, trong đó đẩy mạnh việc đưa các con giống mặn lợ như: tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, cá song, cá bống bớp… trở thành con nuôi chủ lực thâm canh trên diện tích đất nhiễm mặn. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ triển khai hợp phần thích ứng BĐKH thuộc dự án Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) tại 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với nhiều hoạt động thiết thực và gắn liền với cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng như: Xây dựng và thí điểm các mô hình chống chịu biến đổi khí hậu (xây nhà cộng đồng tránh bão, các hoạt động về vệ sinh nước sạch); xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng (mô hình giống lúa chịu mặn, mô hình kết hợp nuôi trồng lúa - tôm, mô hình chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa hiệu quả thấp sang lúa màu hoặc chuyên màu…). Dự án VFD còn thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng tại các xã, Thị trấn Quất Lâm, Giao Long, Giao Hải (Giao Thủy); Hải Đông, Hải Phúc, Hải Hòa (Hải Hậu); Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng)…; dự kiến đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành đánh giá 30 xã tham gia dự án. Từ đó, Ban quản lý dự án đã xây dựng kế hoạch hành động, trong đó tư vấn lồng ghép nội dung BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thí điểm các mô hình sinh kế và quy hoạch dân cư thích ứng với BĐKH trước mắt và lâu dài. Đây được coi là hoạt động cơ bản và cần thiết để tính toán, phối hợp hiệu quả cho các chương trình hành động tiếp theo nhằm làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cộng đồng.  
Thu gom rác thải tại xã Nam Hồng (Nam Trực).
Thu gom rác thải tại xã Nam Hồng (Nam Trực).
Tuy nhiên, một trong số các hạn chế trong công tác nâng cao nhận thức, huy động người dân tham gia ứng phó với BĐKH là mới chỉ chú tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào hoạt động thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Vì vậy, người dân chưa nhận thức một cách sâu sắc, đúng mức đối với việc phải chủ động, tự giác chung sức với chính quyền, địa phương và cộng đồng trong công tác ứng phó BĐKH. 
 
Để công tác huy động người dân chung sức ứng phó BĐKH đạt hiệu quả cao, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các địa phương phải quán triệt quan điểm: biện pháp hàng đầu để ứng phó với BĐKH có hiệu quả là dựa vào nhân dân trong quá trình thực hiện. Phải thay đổi cách nghĩ Nhà nước phải có trách nghiệm thực hiện, phải đầu tư các công trình, tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân ứng phó BĐKH, vì trong thực tế, chính nhân dân, các doanh nghiệp mới là những người trực tiếp thực hiện các giải pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH. Hiện nay, các ngành, các địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, hiểu rõ BĐKH sẽ tác động trực tiếp lên tất cả các ngành kinh tế như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản; khai thác khoáng sản; công nghiệp chế biến; năng lượng; cung cấp nước, khí thải và rác thải; xây dựng, vận tải và kho bãi; dịch vụ tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; giải trí ăn uống du lịch; y tế; giáo dục đào tạo; các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. 
 
Mỗi ngành đều đang phải đối diện với những nguy cơ và rủi ro nghiêm trọng từ BĐKH. Bên cạnh đó, những tác động này không phải là những tác động riêng lẻ rời rạc mà có ảnh hưởng qua lại trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các ngành, do vậy, tất cả người dân và các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm chủ động thích nghi để khi BĐKH xảy ra sẽ không chịu tác động lớn và bất ngờ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm khuyến khích huy động, đa dạng hóa nguồn lực tham gia chung sức ứng phó BĐKH. Áp dụng quy tắc khi thực hiện các quy hoạch, lộ trình phát triển, thích ứng với BĐKH phải đưa yếu tố đồng thuận của người dân, thống nhất của cộng đồng thì người dân mới chấp nhận theo các quy hoạch định hướng của Nhà nước. Trong triển khai các chương trình, mô hình phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH sẽ chú trọng huy động tối đa sự chung sức, cùng tham gia của các doanh nghiệp khối tư nhân./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Thúy
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com