Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ cơ sở nhằm tập hợp thu hút hội viên. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ được các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều chị em phụ nữ.
Xã Nam Mỹ (Nam Trực) có 1.268 hội viên phụ nữ, là xã có nghề trồng cây cảnh khá phát triển nên tỷ lệ chị em đi làm ăn xa không nhiều. Chị Đoàn Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Mỹ cho biết: Xác định để thu hút chị em tham gia sinh hoạt hội cần có nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, vì vậy, một trong những hoạt động được Hội Phụ nữ xã chú trọng là quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Theo đó, Hội Phụ nữ xã đã có nhiều giải pháp tích cực như: xây dựng mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; đẩy mạnh phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay; nhân rộng các mô hình kinh tế; chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ... Hiện tại, trên địa bàn xã có 366 hội viên được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, 226 hội viên được vay vốn quỹ quay vòng xây dựng các công trình vệ sinh, 201 hộ gia đình phụ nữ được vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT. Hằng năm, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, chủ yếu về nghề trồng hoa cây cảnh và chăn nuôi. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế. Tiêu biểu như gia đình chị Trịnh Thị Thắm, xóm Tiền Phong 1 chuyên làm nghề nhựa; chị Triệu Thị Thời, xóm Đồng Ích trồng hoa cây cảnh; các chị Đào Thị Nhuần, xóm Đồng Ích và Nguyễn Thị Thìn, xóm Đại Thắng chủ yếu trồng đào… Tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), với đặc điểm có đông đồng bào Công giáo (chiếm tỷ lệ 99,8%), CLB nữ chức việc được thành lập đã thu hút, quy tụ đông đảo nữ tu tham gia, là nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng NTM ở địa phương. Các thành viên trong CLB luôn tích cực tuyên truyền, vận động chị em tự giác giữ gìn vệ sinh trong các gia đình, tham gia dọn vệ sinh trong các thôn, xóm và nơi công cộng, đảm bảo môi trường trong lành. CLB còn xây dựng quỹ trên 135 triệu đồng cho các gia đình phụ nữ nghèo vay để xây dựng, nâng cấp nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện môi trường sống. Các hoạt động của CLB đã phát huy vai trò của phụ nữ Công giáo trong công tác bảo vệ môi trường, làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, góp phần làm cho môi trường trên địa bàn xã ngày càng xanh, sạch, đẹp.
|
Mô hình trồng đào của gia đình chị Nguyễn Thị Thìn, xóm Đại Thắng, xã Nam Mỹ (Nam Trực) góp phần phát triển kinh tế gia đình. |
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội. Theo đó LHPN tỉnh phát động mỗi tổ chức Hội cơ sở xây dựng một mô hình mới, cách làm hay về tập hợp, thu hút hội viên. Cơ quan Hội LHPN tỉnh đã nghiên cứu 1 đề tài cấp cơ sở về giải pháp tập hợp, quản lý hội viên; tổ chức hội thảo với 90 Chủ tịch Hội cơ sở để bàn biện pháp tập hợp, quản lý hội viên. Hội Phụ nữ 229/229 xã, phường, thị trấn đã tập trung xây dựng mỗi cơ sở 1 điển hình chi hội thôn, xóm, tổ dân phố vững mạnh tiêu biểu để tuyên truyền nhân rộng. Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hàng chục mô hình mới tập hợp hội viên thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt hội theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Tiêu biểu như CLB gia đình phụ nữ Công giáo gương mẫu; CLB nữ tín đồ phật tử xã Nghĩa Trung, CLB nữ chức việc, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); Tổ phụ nữ cao tuổi, CLB các bà mẹ có con tuổi vị thành niên; CLB “Trống hội quê hương”, “Phụ nữ văn nghệ” và các mô hình tập hợp phụ nữ theo nghề nghiệp như mô hình: Dịch vụ nấu cỗ, Tổ phụ nữ may xuất khẩu, Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại xã Quang Trung (Vụ Bản), Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu sạch tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Tổ phụ nữ liên kết nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản), Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế tại xã Hải Sơn (Hải Hậu)… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, qua đó chị em thấy được lợi ích khi tham gia vào tổ chức Hội. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thời gian qua còn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực tế cho thấy, nơi nào có đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có kinh nghiệm, nơi đó sẽ xây dựng được các chương trình hoạt động hấp dẫn, thiết thực, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của chị em. Riêng năm 2015, các cấp hội đã tổ chức 19 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 7.406 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, đến nay, các cấp Hội đã vận động tập hợp được gần 88% phụ nữ vào Hội; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên trong các kỳ đạt từ 83-90,5%.
Để tiếp tục thu hút tập hợp hội viên, xây dựng hội ngày càng vững mạnh, cùng với việc chỉ đạo các chi hội đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, các cấp Hội tăng cường khai thác các nguồn vốn, các chương trình dự án cho hội viên vay, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng