Chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu hộ giao thông

08:07, 15/07/2016
Trong lúc làm việc với chúng tôi, điện thoại của anh Đỗ Mạnh Cường, chủ Ga-ra ô tô Cường ASC, số 55 đường Trần Nguyên Đán, Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) liên tục đổ chuông. Đó là những cuộc gọi cần cứu hộ xe trong các tình huống va chạm, TNGT, sự cố kỹ thuật trong quá trình tham gia giao thông mà lái xe không tự xử lý được. Anh Cường cho biết, bất kể ngày nắng, ngày mưa, nửa đêm hay sáng sớm, chỉ cần nghe khách gọi là anh em trong đội cứu hộ của cơ sở lại khẩn trương lên đường để phương tiện giao thông của người gặp nạn được cứu hộ trong thời gian sớm nhất.
 
Theo chân đội cứu hộ Cường ASC trong ngày nắng đỉnh điểm giữa mùa hè, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi cực nhọc, vất vả của công việc cứu hộ giao thông. Anh Đỗ Đức Cảnh, nhân viên cứu hộ có nhiều kinh nghiệm trong đội cứu hộ giao thông Cường ASC không thể nhớ đã bao nhiêu lần trực tiếp ứng cứu. Anh Cảnh chia sẻ, tình huống sự cố giao thông rất đa dạng, yêu cầu phải khẩn trương trợ giúp kịp thời các xe gặp nạn, vì vậy người cứu hộ cần phải hội tụ các tố chất như là một người thợ, linh hoạt, nhanh nhẹn, nắm bắt nhanh tình huống để tư vấn và xử lý hiệu quả. Túc trực 24/24 giờ trong suốt 365 ngày của năm, các cứu hộ viên luôn phải lắng nghe tín hiệu cần cứu hộ, sẵn sàng tác chiến bởi nếu chậm trễ, do dự sẽ lập tức ảnh hưởng tới tình hình giao thông nơi xảy ra sự cố, thậm chí rất nghiêm trọng. Do vậy ngay khi nhận được tín hiệu cứu hộ từ hiện trường là nhân viên cứu hộ lại khẩn trương lên đường, không quản ngại đêm tối, mưa gió, bão bùng. Trong quá trình đến hiện trường, nhân viên cứu hộ phải tranh thủ thu thập xử lý thông tin về vị trí tai nạn, có thương vong không, loại xe gì... để lập phương án cứu hộ hiệu quả nhất. Còn theo anh Đinh Thế Huy, nhân viên cứu hộ đã gắn bó lâu năm của Cường ASC, những người làm nghề cứu hộ giao thông như anh thường xuyên phải đối diện với hiện trường những vụ tai nạn thảm khốc. Không ít người đã bỏ nghề ngay sau chuyến đi cứu hộ đầu tiên bởi không thể vượt qua cảm xúc, nỗi ám ảnh về vụ va chạm, tai nạn thảm khốc, những cái chết thương tâm trên đường. Để theo được nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ, người làm nghề cứu hộ phải biết vượt qua chính mình, đề cao trọng trách cứu giúp, hỗ trợ những người gặp nạn; đặc biệt phải giữ vững nguyên tắc không lợi dụng hoàn cảnh bối rối của người gặp nạn để trục lợi. Làm được điều này nên đội cứu hộ Cường ASC nhận được sự cảm kích, trân trọng từ các lái xe, chủ xe sau khi được cứu trợ, xử lý kịp thời, giảm thiểu mức độ thiệt hại về tài sản, kinh tế...
Xe cứu hộ giao thông của Ga-ra ô tô Cường ASC đang cứu hộ xe ô tô bị hỏng do tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Xe cứu hộ giao thông của Ga-ra ô tô Cường ASC đang cứu hộ xe ô tô bị hỏng do tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Anh Cường tâm sự: Chính những niềm vui giản dị đó đã tạo nên động lực, giúp những người tham gia cứu hộ giao thông muốn gắn bó với nghề. Vốn là chủ một ga-ra cung cấp dịch vụ sửa chữa ô tô tại Thành phố Nam Định, nhưng đến năm 2010, nhận thấy nhu cầu cứu hộ giao thông trên thị trường ngày càng tăng trong khi công tác cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, anh Cường quyết định đầu tư phát triển dịch vụ cứu hộ, cứu nạn giao thông. Xác định dù nhu cầu thị trường đang rất cao, cạnh tranh chưa nhiều, tuy nhiên trong xu thế hiện nay, công việc này phải được chuyên nghiệp hóa cao, dịch vụ hoàn hảo, nên ngay từ đầu anh đã nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho dịch vụ cứu hộ giao thông của mình. Cường ASC đã đầu tư một xe cứu hộ có sàn trượt để có thể “cõng” thay vì “kéo” xe bị nạn và nhiều thiết bị chuyên dùng, đảm bảo có thiết bị cứu hộ phù hợp, an toàn, nhanh chóng đối với các dòng xe ô tô du lịch có số tự động và xe hai cầu phổ biến từ năm 2010 trở lại đây. Với mục tiêu tạo nền tảng vững chắc cho kế hoạch phát triển lâu dài, bản thân anh đã dành thời gian nghiên cứu các tài liệu chuyên môn và đi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nghề cứu hộ giao thông với các đơn vị cùng ngành nghề trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo các quy định về ATGT, anh luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên cứu hộ. Tất cả các nhân viên đều được bố trí thời gian để nghiên cứu, tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện cứu hộ bảo đảm nắm bắt các quy trình, kỹ thuật bài bản. Đặc biệt để có thể trở thành nhân viên cứu hộ chính thức của Cường ASC, các nhân viên tập sự còn phải tham gia rèn luyện trên thực tế để tích lũy kinh nghiệm của các vụ cứu hộ phức tạp khác nhau. Cường ASC còn chủ động hợp tác với các đơn vị sản xuất, láp ráp ô tô, đại lý kinh doanh và showroom ô tô, doanh nghiệp bảo hiểm, ga-ra sửa chữa ô tô để cung cấp dịch vụ vận chuyển xe. Nhờ phương tiện hiện đại, có kinh nghiệm làm nghề và áp dụng mức giá dịch vụ phù hợp với mức giá thị trường; đặc biệt do đầu tư cho dịch vụ cứu hộ, ga-ra có điều kiện thiết bị để hỗ trợ dịch vụ sửa chữa cho các phương tiện gặp sự cố nhỏ có thể khắc phục ngay tại hiện trường hoặc đưa phương tiện về sửa chữa, đại tu tại ga-ra nên ngày càng có nhiều chủ phương tiện, người lái lựa chọn, gắn bó, trở thành khách hàng thân thiết của Cường ASC. 
 
Đánh giá về vai trò của dịch vụ cứu hộ giao thông, Ban ATGT tỉnh cho biết: Trước đây, ở tỉnh ta không có cơ sở nào làm dịch vụ này nên mỗi khi có TNGT, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, phương tiện bị hư nặng chủ xe mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức mới tìm được xe cứu hộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực xảy ra tai nạn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 cơ sở, doanh nghiệp tư nhân với hàng chục phương tiện hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ giao thông. Trong điều kiện các đơn vị thuộc các ngành GTVT, Công an của tỉnh chưa đủ điều kiện để thực hiện công tác cứu hộ phương tiện mỗi khi có TNGT xảy ra thì sự ra đời các cơ sở, doanh nghiệp cứu hộ giao thông tư nhân của tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc cứu hộ xe bị tai nạn và xe bị hư hỏng, chết máy trong mùa mưa bão tại các tuyến đường dễ bị ngập úng gây chết máy, ùn tắc giao thông như Khu đô thị Hòa Vượng, cầu Đò Quan, hồ Truyền Thống (đường Trần Hưng Đạo)... Để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, các ngành chức năng luôn tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất trong quá trình tham gia cứu nạn giao thông; đồng thời khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp tập hợp, cùng chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ và kết nối, phối hợp làm nghề để giải cứu hiệu quả nhất cho những người gặp nạn, góp phần khắc phục và giảm thiểu thiệt hại cho các chủ phương tiện; đồng thời giải tỏa ách tắc, đẩy lùi nguy cơ xảy ra TNGT./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com