Cùng với bước phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta phát triển sâu rộng. Đến nay toàn tỉnh có 466.579/586.030 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 79,6%.
Đạt được kết quả trên, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Sở VH, TT và DL phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng gia đình văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở. Các địa phương thường xuyên tuyên truyền các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thông qua các buổi họp dân, các đợt sinh hoạt của chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội CCB… để các hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu, tích cực hưởng ứng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai gắn với các phong trào thi đua: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”... Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc; đoàn kết tương trợ nhau, tương thân tương ái trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Việc tổ chức đăng ký và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hằng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa là Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng. Tại Thành phố Nam Định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Các gia đình đều thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Hằng năm, công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được các tổ dân phố (TDP), thôn, xóm tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Đến nay, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên địa bàn thành phố đạt 86%; tiêu biểu là các phường: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Vỵ Hoàng, Lộc Vượng và xã Mỹ Xá… Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành tiền đề vững chắc để Thành phố Nam Định nâng cao hiệu quả thực hiện các đơn vị làng, TDP đạt nếp sống văn hóa.
Gia đình ông Nguyễn Như Hán, số nhà 39A, Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) là một trong 90 gia đình văn hóa được UBND tỉnh tuyên dương “Gia đình văn hóa có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn 2007-2012”. |
Đến nay, thành phố có 340/527 TDP đạt danh hiệu “TDP văn hóa”, 50/61 làng, xóm được công nhận “Làng văn hóa”… Ở huyện Hải Hậu, việc triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Hằng năm, các khu dân cư đều tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều cơ quan, đơn vị nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) đã tổ chức đánh giá kết quả triển khai và biểu dương các gia đình tiêu biểu. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của toàn huyện đạt 86%. Huyện Giao Thủy đã xây dựng quy định chi tiết về tiêu chí, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”, “Xóm, TDP văn hóa - NTM”, “Xã, thị trấn văn hóa - NTM” trên địa bàn. Huyện chỉ đạo trong quá trình xây dựng “Gia đình văn hóa - NTM”, các địa phương lấy xóm, TDP làm địa bàn, gia đình là hạt nhân. Các nội dung, tiêu chí của phong trào được bổ sung vào hương ước, quy ước nếp sống văn hóa để cộng đồng dân cư cùng thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã thành lập được 22 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững, 22 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 22 cơ sở tư vấn phòng chống bạo lực gia đình, 332 tổ hòa giải ở các xã, thị trấn. Trong 5 năm qua, huyện đã biểu dương, khen thưởng 142 gia đình văn hóa - NTM tiêu biểu xuất sắc. Đến nay, toàn huyện có 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa - NTM. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có cam kết nội dung không vi phạm các tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa... Toàn huyện hiện có 27.600/38.583 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 71,5%). Ý Yên là huyện vùng đồng trũng, kinh tế các địa phương phát triển không đồng đều nên đến hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,78%. Bên cạnh đó, do tác động của cơ chế thị trường, ở một số nơi, lối sống thực dụng đã len lỏi vào đời sống của các hộ dân... Trước tình hình đó, huyện Ý Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, kết hợp tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá ở các làng quê. Với những địa phương có làng nghề, trong hương ước ngoài những quy định về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, còn có những quy định về gìn giữ giá trị thuần phong mỹ tục, các chuẩn mực đạo đức trong gia đình, xã hội. Với các địa phương thuần nông, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các thôn, xóm, TDP đẩy mạnh tuyên truyền về tiêu chuẩn, cách thức xây dựng gia đình văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện có 55.389/71.583 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 77,4%.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa sâu rộng ở khắp các địa bàn dân cư trong tỉnh, có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tác động từ những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường khiến nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một. Nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng gia đình văn hóa đối với cộng đồng và mỗi gia đình. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở các địa phương, tạo động lực để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa./.
Bài và ảnh: Viết Dư